Tài chính

TKV lọt vào danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65%

(VNF) – Danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ bất ngờ có tên của TKV. Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt quyết không cổ phần hóa, còn VTC, VTV Cab lại thuộc doanh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

TKV lọt vào danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65%

TKV nằm trong danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65%

Đường sắt quyết không cổ phần hóa

Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cùng với Tổng công ty Đường sắt, 5 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông vận tải khác cũng không tiến hành cổ phần hóa, bao gồm: Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giao thông vận tải.

Một doanh nghiệp lớn khác cũng nằm trong danh sách được Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất mà Bộ Thông tin Truyền thông giữ lại để sở hữu hoàn toàn.

Tổng công ty Đường sắt

Ngành đường sắt quyết nói "không" với cổ phần hóa

Đáng chú ý, theo Quyết định trên thì trong 5 năm tới, Nhà nước sẽ vẫn giữ 100% vốn điều lệ tại 3 ngân hàng 0 đồng, bao gồm: Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Ngoài 3 ngân hàng trên, đơn vị chủ quản là Ngân hàng Nhà nước còn dự kiến sở hữu 100% vốn điều lệ tại Nhà máy in tiền quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Ngoài ra, tất cả các công ty xổ số kiến thiết đến được các tỉnh thành giữ lại. Bộ Tài chính cũng không có ý định bán cổ phần tại Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott). Ngoài Vietlott, Bộ Tài chính cũng giữ lại 100% vốn tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục là 2 doanh nghiệp nhà nước "bất khả xâm phạm" khi vẫn nằm trong danh sách Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng vẫn sẽ thuộc sở hữu 100% của EVN.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) cũng thuộc danh sách Nhà nước giữ lại 100% vốn điều lệ.

Sẽ cổ phần hóa TKV

Trong số 4 doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ, bất ngờ có tên của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trước đây, nhiều doanh nghiệp lớn trực thuộc TKV như Tổng công ty Điện lực – Vinacomin hay Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin đã nằm trong danh sách cổ phần hóa, tuy nhiên chưa có thông tin khẳng định Công ty mẹ - TKV sẽ cổ phần hóa, cho đến ngày ban hành Quyết định trên.

Vẫn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng nằm trong danh sách cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.

Cổ phần hóa TKV

TKV nằm trong danh sách cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65%

Ngoài ra, PVN cũng sẽ giữ lại trên 65% cổ phần của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP).

Đối với nhóm Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, đáng chú ý nhất là có tên Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cùng với đó là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá – Công ty mẹ.

EVN cũng sẽ nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn tại VTC, VTV Cab  

Trong danh sách 106 doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ có 4 tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng, bao gồm: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Đáng chú ý, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) và Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTV Cab).

Tòa nhà VTC

Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) sẽ cổ phần hóa theo hướng Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng nằm trong danh sách Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Hai địa phương lớn nhất Việt Nam là TP.Hà Nội và TP.HCM cũng sẽ cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp lớn và nắm giữ dưới 50% vốn. Chẳng hạn như TP.Hà Nội có Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)… hay như TP.HCM có Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn…

Tin mới lên