Tài chính

Tổng công ty Sông Đà nợ hơn 10.000 tỷ trước cổ phần hóa

Bộ Xây dựng đề xuất cổ phần hoá Tổng công ty Sông Đà theo hướng vừa bán một phần vốn nhà nước, vừa phát hành tăng vốn.

Tổng công ty Sông Đà nợ hơn 10.000 tỷ trước cổ phần hóa

Tổng công ty Sông Đà đang có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 3,8 lần.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước về phương án cổ phần hoá của Tổng công ty Sông Đà.

Văn bản nêu rõ, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hoá cho Tổng công ty Sông Đà. Do đó, để có đủ cơ sở trình Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan trên nêu ý kiến về phương án mà Bộ Xây dựng nêu. 

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất cổ phần hoá Tổng công ty Sông Đà theo hướng vừa bán một phần vốn nhà nước, vừa phát hành tăng vốn điều lệ. 

Nợ 10.190 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 2.645 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.190 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt 3,8 lần. 

Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất tăng vốn điều lệ lên mức 4.500 tỷ đồng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý hơn. Đồng thời đảm bảo việc trả cổ tức là 3% trong những năm sau khi được cổ phần hoá. 

Hiện Tổng công ty Sông Đà chiếm khoảng 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện, sắp tới sẽ triển khai sang Lào, Campuchia. Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng mức vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hoá là 51%, sau đó sẽ có lộ trình giảm xuống 36% trong những năm tiếp theo, tuỳ nhu cầu vốn trong từng thời điểm. 

Cụ thể, Tổng công ty Sông Đà sẽ phát hành 450 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 51%, đến năm 2020 giảm xuống 36%. Số bán ưu đãi cho người lao động chiếm khoảng 0,18%. Còn lại 30% bán cho nhà đầu tư chiến lược, số cổ phần bán đấu giá công khai là 18,82%. 

Tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược là cam kết mua tối thiểu 5% vốn điều lệ tương ứng khoảng 225 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Nhà đầu tư phải có chiến lược, có năng lực, trình độ công nghệ cao, có uy tín, thương hiệu, có kinh nghiệm quản trị, kinh doanh trong lĩnh vực điện, xây lắp, bất động sản. 

Nhóm nhà đầu tư chiến lược tài chính là các tổ chức tín dụng ngân hàng có thương hiệu, uy tín trên thị trường, năng lực tài chính dài hạn.

Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vốn chủ sở hữu là 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dương, không có nợ xấu, có đủ vốn góp lớn hơn số cổ phần mua.

Sau cổ phần, công ty lên kế hoạch doanh 2.890 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 160 tỷ đồng trong năm 2016. 

Giá trị doanh nghiệp là 18.502 tỷ đồng

Tổng công ty Sông Đà có nhiều kiến nghị kèm theo phương án cổ phần hoá. Cụ thể, Tổng công ty đề nghị được áp dụng phương pháp xác định lại các khoản đầu tư dài hạn chưa niêm yết tính bằng giá trị sổ sách trừ đi khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.

"Bộ Xây dựng kiến nghị xác định lại khoản đầu tư dài hạn chưa niêm yết bằng giá trị sổ sách trừ đi các trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính để bảo toàn vốn doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định 116, chưa quy định cụ thể dẫn đến một số khoản đầu tư chưa niêm yết trên sàn chứng khoán khi xác định lại theo phương pháp vốn chủ sở hữu bị mất vốn, thậm chí có khoản đầu tư được xác định bằng 0", văn bản nêu. 

Theo kế hoạch ban đầu, Tổng công ty dự định bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 7/2016 nhưng kế hoạch đã bị chậm trễ. 

Bộ Xây dựng cho rằng đây là doanh nghiệp lớn với nhiều dự án, nhà máy, tài sản ở nhiều nơi do vậy việc xác định giá trị doanh nghiệp cần lấy ý kiến nhiều bên, đảm bảo chính xác. Sau thời gian dài định giá, giá trị doanh nghiệp tại thời điểm xác định cổ phần hoá là 18.502 tỷ đồng, phần vốn nhà nước đạt 4.438 tỷ. 

Năm 2010, Thủ tướng có quyết định số 52 về việc thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và Quyết định số 53 về việc thành lập Tập đoàn Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu giúp việc.  

Các đơn vị phụ thuộc của Tổng công ty Sông Đà và tiếp nhận, quản lý 100% giá trị phần vốn Nhà nước thuộc Tổng công Lắp máy (Lilama), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (DIC) và Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng. 

Do đó, Tổng công ty đã ký kế với MCKinsey&Company và hãng kiểm toán KPMG và Invest Consult Group hợp đồng tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp là 4,9 triệu USD cho cả 5 doanh nghiệp trên. 

Vì vậy, Tổng công ty đề nghị loại bỏ chi phí tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp là 47,7 tỷ đồng và không tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp do đây là khoản tiền chi phí tư vấn cho 5 doanh nghiệp trên. 

Trước đó, tại hội nghị Sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã điểm danh một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, trong đó có Tổng công ty Sông Đà.

Tin mới lên