Bất động sản

Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của Hà Nội chỉ bằng 1/6 Băng Cốc

(VNF) - Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ của thị trường Hà Nội mới chỉ đạt 1,2 triệu m2, kém rất xa so với các thành phố trong khu vực như Băng Cốc (7,5 triệu m2), Singapore (4 triệu m2), Kuala Lumpur (5 triệu m2)…

Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của Hà Nội chỉ bằng 1/6 Băng Cốc

Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ của Hà Nội chỉ mới đạt khoảng 1,2 triệu m2

Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý IV/2016 của Savills Việt Nam vừa công bố cho biết, trong quý IV, Hà Nội có 3 dự án đi vào hoạt động, cung cấp cho thị trường 56.000 m2 mặt bằng bán lẻ gồm: Vincom Phạm Ngọc Thạch (27.000 m2), Vincom Plaza Bắc Từ Liêm (20.000 m2) và một khối đế bán lẻ. 3 dự án này đã nâng tổng nguồn cung toàn thị trường lên mức 1,2 triệu m2.

Theo đánh giá của bà Đỗ Thu Hằng, nguồn cung này còn rất nhỏ bé so với các nước trong khu vực, do đó, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn còn tiềm năng rất lớn để phát triển.

Theo ghi nhận của Savills, công suất hiện tại toàn thị trường đang là 85%, tăng 1,2 điểm % theo quý và 3 điểm % theo năm.

Trong đó, công suất thuê trung bình mặt bằng tầng 1 đang là 36 USD/m2/tháng, giảm mạnh 8,5% theo quý. Điều này là do cả 3 loại hình (trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa, khối đế bán lẻ) đều giảm giá. Hiện giá thuê trung tâm bách hóa là 45 USD/m2/tháng, trung tâm thương mại 38 USD/m2/tháng và khối đế 26 USD/m2/tháng.

Savills đánh giá, mức giá cho thuê đang ngày càng giảm và chạm đáy trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, bên cạnh một số trung tâm thương mại đã phải đóng cửa (trường hợp của Parkson Thái Hà) thì thị trường cũng vẫn có những dự án mới đi vào hoạt động như AEON Long Biên, Mipec Riverside hay Vincom Phạm Ngọc Thạch, Vincom Plaza Bắc Từ Liêm. 

"Tất cả các dự án này khi đi vào hoạt động năm 2016, chúng ta chưa tính đến việc có thành công về mặt doanh số hay không, nhưng Savills ghi nhận phần lớn đều có công suất đạt 100%. Diện tích cho thuê thêm được ở mức tăng trưởng dương trên tất cả các loại hình bán lẻ", bà Đỗ Thu Hằng cho biết.

Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của Hà Nội chỉ bằng 1/5 Băng Cốc ảnh 1

Tỷ lệ trống quý IV/2016 giảm 7,7% theo quý và 5% theo năm nhờ sự đóng cửa của Parkson Thái Hà - đã làm tăng tỷ lệ lấp đầy của thị trường (theo báo cáo của CBRE)

Báo cáo của Savills cũng hé lộ điều thú vị trong danh sách những nhà cung cấp mặt bằng bán lẻ lớn nhất Hà Nội năm 2016. Trong đó, Vingroup vẫn tiếp tục là đơn vị đứng đầu, nhưng vị trí thứ 2 đã có sự hoán đổi khi Central Group đang từ vị trí thứ 9 đã nhảy vọt lên soán ngôi vị thứ 2 của Eurowindow Holdings nhờ loạt thương vụ thâu tóm Metro Cash & Carry, Big C, Nguyễn Kim…

Dự báo trong năm 2017, thị trường bán lẻ Hà Nội có thể đón nhận khoảng 100.000 m2 sàn, nổi bật nhất là nguồn cung đến từ dự án Artermis số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân. Còn năm 2018, nguồn cung mới ước tính khoảng 250.000 m2 sàn, nổi bật là dự án D’.Capitale Trần Duy Hưng của Tân Hoàng Minh Group.

Savills nhận định, thị trường bán lẻ tại Hà Nội vẫn còn rất nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ liên tục tăng, đạt khoảng 10%/năm, ngang với Trung Quốc, Indonesia và vượt xa các nước khác trong khu vực, vốn chỉ đạt khoảng 5%. 

Ngoài ra, niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức khá cao, nguồn cung tương lai cũng rất dồi dào từ phía tây và nội thành. Tuy nhiên thị trường bán lẻ vẫn phải đối mặt sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với loại hình cửa hàng tiện ích và các dự án nhà phố thương mại hiện đang được phát triển khá rầm rộ tại Hà Nội trong thời gian qua.

Tin mới lên