Thị trường

Tổng giám đốc Vinatex: ‘Chúng ta đang sản xuất hàng hóa bằng các thương hiệu của người khác’

(VNF) – Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), toàn bộ tích lũy của ngành dệt may Việt Nam đang được thu nhận từ lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó, hiệu quả của ngành dệt may thế giới lại chủ yếu đến từ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, các mẫu mã thiết kế cũng như hệ thống phân phối.

Tổng giám đốc Vinatex: ‘Chúng ta đang sản xuất hàng hóa bằng các thương hiệu của người khác’

Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường

Phân tích về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường cho rằng đối với hàng hóa thời trang, thương hiệu là yếu tố quyết định doanh số cũng như mức độ hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

"Hiện nay phần lớn năng lưc sản xuất dệt may của Việt Nam là để phục vụ cho xuất khẩu. Tức là chúng ta sản xuất hàng hóa bằng các thương hiệu của các đơn vị khác. Chính vì vậy, chúng ta chỉ có hiệu quả từ khâu sản xuất (năng suất, chất lượng sản phẩm).

"Toàn bộ tích lũy của ngành dệt may Việt Nam đang được thu nhận từ lĩnh vực sản xuất, trong khi đó đối với ngành thời trang và dệt may thế giới, hiệu quả lại chủ yếu đến từ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, các mẫu mã thiết kế cũng như hệ thống phân phối", ông Trường nói.

Do đó, ông Trường cho rằng việc nâng cấp ngành dệt may Việt Nam lên một bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành dệt may thế giới chính là việc xây dựng các thương hiệu của mình và có sở hữu trí tuệ phù hợp pháp luật trong nước cũng như quốc tế.

"Trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ có được những hiệu quả kinh tế từ các tài sản sở hữu trí tuệ, các tài sản vô hình này", ông Trường nhấn mạnh.

Theo Tổng giám đốc Vinatex, việc xây dựng tài sản vô hình từ các thương hiệu là một quá trình rất dài và phải được bắt đầu từ thị trường trong nước, tức phải nhận được sự ủng hộ của người Việt Nam.

"Nếu 100 triệu người Việt trở thành các đại sứ của các thương hiệu Việt Nam thì thương hiệu Việt Nam mới có cơ hội phát triển, lan tỏa ra khu vực và hướng tới các thị trường lớn trên thế giới – những nơi là trung tâm tiêu thụ của ngành dệt may và thời trang toàn cầu".

Nói về thực trạng hàng giả, hàng nhái đang làm "đau đầu" các doanh nghiệp dệt may trong nước, ông Lê Tiến Trường nêu lên 2 giải pháp của Vinatex. Một là tập đoàn tiến hành đăng ký chính thức với các cơ quan bảo hộ quyền sở hữu trí thuệ, hai là đầu tư vào các công cụ chống hàng giả trên thị trường; cùng với đó là các hoạt động truyền thông về thương hiệu.

"Tuy nhiên, một mình doanh nghiệp thì không thể đủ sức để bảo vệ giá trị thương hiệu của mình. Điều này cần có sự đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường, của Bộ Khoa học và Công nghệ để tích cực đấu tranh với các đơn vị, cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái. Các bên phải cùng với doanh nghiệp chân chính xây dựng thị trường dệt may thực sự là thị trường lành mạnh", ông Trường nói.

Ngày 23/3, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức lễ khởi động dự án "Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam" (gọi tắt là Dự án)

Dự án được xây dựng dựa trên những yêu cầu bức thiết đối với ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Cụ thể, tại thị trường trong nước, các sản phẩm của Vinatex và các đơn vị thành viên phải đối diện thường xuyên với nạn hàng giả, hàng nhái. Tại thị trường nước ngoài, các sản phẩm dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các hàng rào thương mại với các chính sách bảo hộ hàng nội địa của các quốc gia.

Thực tế này đòi hỏi Vinatex phải có định hướng chiến lược để nâng cao hiệu quả các tài sản trí tuệ. Trong đó xây dựng được những thương hiệu dệt may mạnh, nâng cao và phát triển giá trị của các thương hiệu này và bảo vệ môi trường lành mạnh được xác định là những vấn đề then chốt.

Do vậy, việc khởi động Dự án nhằm vào 3 mục tiêu cơ bản. Một là nâng cao nhận thức chung của Vinatex và các doanh nghiệp thành viên về thực thi, xây dựng và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ.

Hai là nâng cao năng lực khai thác và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nhãn hiệu của một số công ty thành viên thuộc Vinatex (May 10, Đức Giang, Hòa Thọ, Việt Tiến, Phong Phú).

Ba là nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và nhận thức cộng đồng đối với người Việt Nam ưu tiên dùng hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam.


Tin mới lên