Tiêu điểm

Tổng thanh tra Chính phủ: 'Tham nhũng mang tính lợi ích nhóm rất nguy hiểm'

(VNF) - Tổng than tra Chính phủ lo ngại tình trạng các đối tượng tham nhũng có tính lợi ích nhóm lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tạo ra những cơ chế, chính sách hoạt động để vụ lợi cho một nhóm, trong đó có lợi ích của bản thân mình.

Tổng thanh tra Chính phủ: 'Tham nhũng mang tính lợi ích nhóm rất nguy hiểm'

Ông Huỳnh Phong Tranh

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng  tình trạng "tham nhũng có lợi ích nhóm thường là những vụ tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp. Loại tham nhũng này rất khó phát hiện vì có sự gắn kết, đồng thuận của nhóm lợi ích".

"Nguy hiểm nhất là việc các đối tượng tham nhũng có tính lợi ích nhóm lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tạo ra những cơ chế, chính sách hoạt động để vụ lợi cho một nhóm, trong đó có lợi ích của bản thân mình mà bất chấp việc phương hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích chung của xã hội. Tham nhũng có tính lợi ích nhóm nếu phát triển sẽ làm gia tăng tính chất nguy hiểm của hành vi tham nhũng, lũng đoạn hoạt động quản lý và sẽ là mối nguy hại, thách thức lớn", ông Tranh nói.

Người đứng đầu ngành thanh tra cũng cho hay trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 có đánh giá: "Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực". 

Thực ra đây không hoàn toàn là nhận định mới mà ngay từ năm 2014, khi tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, tại Báo cáo số 80 -/BCBCĐTW ngày 15/5/2014 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã nêu lên nhận định này.

Bước sang năm 2015, Chính phủ tiếp tục nhận thấy những biểu hiện như vậy trên một số lĩnh vực nên đã thẳng thắn đưa vào báo cáo trình Quốc hội.

Một số vụ án tham nhũng gồm nhiều đồng phạm, ở nhiều vị trí công tác khác nhau trong đơn vị, cùng thống nhất thực hiện hành vi tham nhũng để lấy tiền, tài sản chi dùng chung cho các hoạt động của đơn vị, thậm chí là chi cho hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, phúc lợi chung cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và qua đó những người thực hiện hành vi tham nhũng cũng vụ lợi cá nhân về vật chất và cả tinh thần. 

Theo báo cáo của ngành ngân hàng, năm 2015 cũng đã phát hiện một số thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng có lợi ích nhóm, tham gia góp vốn, mua cổ phần để nắm giữ vị trí chủ chốt của các tổ chức tín dụng cổ phần; lợi dụng vị trí để cho vay các công ty sân sau, công ty mà mình có lợi ích liên quan...

Trong năm 2015, việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng năm 2015 giảm so với năm trước. Tuy nhiên, theo ông Tranh, mặc dù kết quả phát hiện tham nhũng có giảm nhưng nếu phân tích sâu một số chỉ số khác thì có thể thấy rõ hơn nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như hiệu quả của công tác chống tham nhũng.

Cụ thể, kết quả phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước (tăng 85% số vụ, 97,7% số đối tượng) và đây cũng là kết quả đầu vào quan trọng tạo cơ sở cho việc tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong thời gian tới.

Thứ hai là mặc dù số vụ án được xét xử giảm nhưng tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được tuyên án lại tăng hơn so với năm 2014, tỷ lệ án treo tiếp tục giảm. Điều đó thể hiện tính chất của các vụ án đã được giải quyết trong năm nay phức tạp, nghiêm trọng nhiều hơn năm trước.

Cùng là một vụ tham nhũng nhưng vụ án có ít bị can, hành vi phạm tội rõ ràng, ít nghiêm trọng thì việc điều tra, truy tố, xét xử thuận lợi hơn nhiều. Ngược lại, có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhiều bị can, tình tiết phức tạp, gây thiệt hại lớn thì việc xem xét, xử lý có thể khó khăn hơn giải quyết hàng chục vụ án tham nhũng khác.

Thứ ba là kết quả thu hồi tài sản tham nhũng cũng tăng cao hơn nhiều so với những năm trước. Năm 2015 thu hồi đạt 55,8%, trong khi tỷ lệ này năm năm 2014 là 22,3%, năm 2013 là 10% và trước đó còn thấp hơn.

Tin mới lên