Diễn đàn VNF

Tổng thống Donald Trump sẽ 'nhấn mạnh các quyền lợi kinh tế của Mỹ tại APEC'

(VNF) - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay (03/11) bắt đầu chuyến công du châu Á, tham dự Thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng bao gồm cả thăm chính thức Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump sẽ 'nhấn mạnh các quyền lợi kinh tế của Mỹ tại APEC'

Ông Ernest Bower, Chủ tịch & TGĐ Công ty tư vấn BowerGroupAsia (BGA) (Mỹ).

Ông Ernest Bower (*), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty tư vấn BowerGroupAsia (Mỹ) chia sẻ với VietnamFinance góc nhìn riêng về sự kiện này. Ông nói:

"Một trong những mục tiêu của Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du châu Á là tiếp tục khuếch trương cam kết vai trò lãnh đạo của Mỹ với các thể chế, tổ chức khu vực và đa phương. Cần lưu ý rằng bên cạnh APEC, ông cũng sẽ tham dự Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ ở Philippines, thăm các đồng minh chủ chốt của Mỹ gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và có chặng dừng chân quan trọng tại Trung Quốc.

Cách tiếp cận chính sách của Mỹ đến giờ vẫn cho thấy Bắc Hàn và chủ nghĩa khủng bố là những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du này. Chuyến thăm Việt Nam sau APEC 2017 được hình thành trên cơ sở chuyến thăm Mỹ thành công của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 05/2017 vừa qua".

- Vì sao ông lại cho rằng chuyến thăm Trung Quốc là "chặng dừng chân quan trọng" của Tổng thống Donald Trump? Hai bên đã đạt được đồng thuận gì?

Tôi sẽ không dùng thuật ngữ "đồng thuận" như bạn đề cập để miêu tả về quan hệ Trung-Mỹ lúc này, nhất là sau khi Mỹ không tham gia Hiệp định biến đổi khí hậu Paris (COP 21). Như đã biết, Bộ trưởng Thương mại Mỹ vừa từ Trung Quốc trở về với một giọng điệu hồ hởi hơn, và chính quyền Mỹ đã và đang khá rõ ràng với những ưu tiên trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc có quan điểm cứng rắn với Bắc Hàn bằng việc hàm ý rằng đe dọa áp dụng cấm vận thứ cấp lên các ngân hàng của Trung Quốc hiện đang nằm trên bàn của Tổng thống. 

Tổng thống Donald Trump sẽ nhấn mạnh tới các quyền lợi kinh tế của Mỹ, bao gồm cả vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ của Nhà nước với các ngành sản xuất nhôm, thép. Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách nào đó giảm áp lực do chính quyền Donald Trump đang tìm cách áp đặt.

Cùng với đó, tôi cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ tận dụng ảnh hưởng thành công mang tầm quốc tế ở kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vừa qua. Trong bối cảnh đó, ông Tập sẽ đề cao vai trò lãnh đạo đang nổi lên của Trung Quốc để có thể thay đổi hệ thống đa phương và quản trị kinh tế mang tính khu vực – và làm thế nào nó mang lại lợi ích cho các nước láng giềng – thông qua Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (OBOR).

- Thế còn với một số nước ASEAN mà là thành viên của APEC, theo ông, họ kỳ vọng gì vào vai trò của Mỹ tại kỳ APEC 2017 lần này?

Thực tế là ASEAN đóng vai trò quan trọng tại APEC, bởi 2 khối chia sẻ nhiều thành viên chung cùng nhau. Việt Nam, trong khi đó, đang trở thành một nhân tố chiến lược hàng đầu tại ASEAN, và nhiều nước thành viên ASEAN đánh giá cao quan điểm nhất quán của Việt Nam trên một số vấn đề, nhất là Biển Đông và các chủ đề an ninh liên quan.

Rõ ràng, ASEAN muốn Tổng thống Trump can dự và thể hiện một cách thuyết phục rằng Mỹ sẽ tiếp tục lên tiếng trong khu vực châu Á dựa trên nền tảng quyền lợi kinh tế - điều về lâu dài sẽ là nền tảng cho sự can dự an ninh của Mỹ vào khu vực. ASEAN sẽ nhìn vào Mỹ và Việt Nam để thúc đẩy các quyền lợi chung của mình và bảo đảm rằng Trung Quốc tham gia cùng các thành viên châu Á-Thái Bình Dương là để tuân thủ quy định và luật pháp quốc tế.

- Ông đánh giá thế nào vai trò chủ nhà Việt Nam trong mối quan hệ với các siêu cường là thành viên APEC 2017 kỳ này?

Tôi tin là Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì một mạng lưới cân bằng với các đối tác chủ chốt, và thực sự thì Việt Nam đã làm tốt điều này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Mỹ hồi tháng 05/2017 – chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên của 1 lãnh đạo ASEAN kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức - nhấn mạnh tới những quyền lợi và mối quan tâm chung của 2 nước và tăng cường vun đắp niềm tin chiến lược. 

Với Trung Quốc, mối quan hệ Việt-Trung đang trên đà tiến triển trở lại kể từ mùa hè năm nay. Còn Nhật Bản và Nga là các đối tác truyền thống lâu dài của Việt Nam trên cả 2 mặt trận kinh tế và chiến lược. 

Vì vậy tôi tin là Việt Nam nên tiếp tục phương châm "cân bằng năng động" trong mối quan hệ bang giao với các siêu cường này, và đây sẽ là công việc dài kỳ, quan trọng dành cho lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong nhiều năm tới.

- Ông có nghĩ là TPP sẽ đạt được đồng thuận để tiếp tục với 11 thành viên còn lại nhân kỳ APEC 2017 lần này không?

Tôi rất tin rằng 11 nước còn lại sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn tất TPP. TPP đã đề ra bộ tiêu chuẩn chất lượng cho hội nhập kinh tế & thương mại cho khu vực châu Á, và đây là điều quan trọng thiết yếu cho các nước thành viên. 

Một khi thông qua được, TPP với 11 nước thành viên sẽ giúp Mỹ và các thành viên APEC kết nối lại được với nhau bằng các hiệp định khác trong tương lai. Các nước thành viên muốn một bộ quy chuẩn cao dựa trên các mong muốn của các thành viên khác khi tham gia bởi họ đang chuẩn bị sẵn sàng trên cả phương diện chính trị và kinh tế.

- Điểm yếu của việc kết nối thương mại, đầu tư và kinh tế trong nội khối APEC, theo ông, là gì? Làm thế nào để các thành viên APEC khắc phục được những yếu điểm đó?

APEC có động lực kinh tế rất lớn, chiếm 41% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu. Thế nhưng, nó lại thiếu một cơ chế tự do thương mại hiệu quả giữa các thành viên nhằm chuyển hóa hết các tiềm năng đó. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc theo đuổi RCEP trong khi Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy TPP-11 nước, nhưng không ai rõ liệu tất cả những nỗ lực này sẽ có kết quả ra sao.

Các thành viên APEC nên suy tính thấu đáo về khả năng các quy định, bộ tiêu chuẩn cao về hội nhập kinh tế mang lại cho khu vực – điều đã được thông qua tại Hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) năm 2014. APEC nên cải tổ và mời thêm các thành viên ASEAN khác chưa phải là thành viên APEC (như Lào, Campuchia và Myanmar) tham gia, cùng cả Ấn Độ nữa.


*Ông Ernest Bower nguyên là Chủ tịch Hội đồngKinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) và từng đảm trách vị trí Phó giám đốc cấp cao BanĐông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tạiWashington D.C. Ông hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư BowerGroupAsia(BGA) trụ sở tại Mỹ, chuyên kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp Mỹ và ASEAN.

Tin mới lên