Tài chính quốc tế

Tổng thống Iran 'chọc tức' Mỹ giữa căng thẳng Syria

(VNF) - Phát biểu trong cuộc diễu binh thường niên kỷ niệm ngày Quân đội quốc gia 17/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khiến Mỹ phải nổi xung khi tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển bất kỳ loại vũ khí nào họ cần để tự bảo vệ.

Tổng thống Iran 'chọc tức' Mỹ giữa căng thẳng Syria

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Tuyên bố của Tổng thống Iran khiến tình hình Trung Đông càng thêm nóng bỏng khi Mỹ đang rối bời với vấn đề Syria sau đợt tấn công sáng 14/4 vừa qua. Iran hiện là một trong những nước luôn có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng ở Syria những năm qua. Iran hiện có các căn cứ quân sự Syria. Theo cáo buộc của phương Tây, lực lượng quân đội Iran đóng tại ít nhất 5 sân bay của Syria...

"Chúng tôi tuyên bố với thế giới rằng chúng tôi sẽ sản xuất bất cứ loại vũ khí nào mà chúng tôi cần, hoặc nếu cần thiết, chúng tôi có thể mua chúng từ nước ngoài. Chúng tôi sẽ không phải chờ đợi bất cứ lời nhận xét hoặc thỏa thuận nào của các nước khác", ông Rouhani khẳng định.

"Nhưng đồng thời chúng tôi cũng thông báo cho các nước láng giềng trong khu vực rằng chúng tôi không có ý định xâm lược hoặc chống lại bất cứ nước nào", ông Rouhani nói.

Lễ duyệt binh ngày 17/4 của quân đội Iran.

"Chúng tôi luôn muốn có mối quan hệ hữu nghị và anh em với những nước hàng xóm và nói với họ rằng vũ khí, thiết bị của chúng tôi, tên lửa, máy bay, xe tăng của chúng tôi không chống lại họ mà chỉ để tự vệ", ông Rouhani nhấn mạnh.

Mỹ và các nước đồng minh đã luôn yêu cầu Tehran ngừng tiến hành các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo, nhưng ông Hassan Rouhani cho rằng điều này là rất quan trọng để tăng cường khả năng phòng thủ của họ.

Tổng thống Donald Trump và các quan chức ngoại giao Mỹ đã đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận khung ký năm 2015 và cho rằng Iran đã vi phạm tinh thần của thỏa thuận.

Theo thỏa thuận khung ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung quốc, Đức, và Nga, Iran đồng ý từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Tổng thống Iran khẳng định chương trình tên lửa chỉ để phòng thủ chứ không đe dọa bất kỳ quốc gia nào.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 4/1 mới đây cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với năm thực thể của Iran.

Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt này là nhằm vào các đơn vị chủ chốt liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Được biết, các đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt lần này đều trực thuộc Tập đoàn công nghiệp Shahid Bakeri. Theo đó, bất kỳ tài sản nào mà các thực thể kể trên nắm giữ ở Mỹ đều sẽ bị "đóng băng".

Trước đó, hôm 3/1, một quan chức chính phủ cấp cao của Mỹ thông báo, Nhà Trắng cũng dự kiến đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các nhân tố trong chính quyền Iran cũng như những người ủng hộ chính quyền liên quan tới việc trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp cả nước.

Ngày 4/1, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với năm thực thể của Iran.

Theo Tổng thống Donald Trump, Iran vẫn đang bí mật theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân nhằm đe dọa phương Tây. Ông Trump đã đưa ra lời tuyên bố rằng Mỹ sẽ phải quyết định liệu có gia hạn việc thực hiện thoả thuận hạt nhân với Iran hay không, hạn chót là ngày 12/5.

Một đối thủ trong khu vực của Iran là Arab Saudi đã cáo buộc Iran muốn thống trị Trung Đông thông qua việc mở rộng lực lượng "proxy Iran" tại các quốc gia như Syria, Iraq và Lebanon.

Đáp lạo lời cáo buộc này, Iran lập luận rằng các lực lượng này hoạt động với sự cho phép của các chính phủ liên minh để chống lại các nhóm thánh chiến và ngăn chặn sự tan rã của các quốc gia.

Israel cũng đã bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các lực lượng Iran dọc theo các biên giới của họ và gần đây đã tiền hành các cuộc không kích vào các vị trí của Iran ở Syria.

Trong cuộc họp của các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Luxembourg ngày 16/4, EU đã nói Không với việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc thế giới với Iran. Đồng thời, EU đã từ chối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran. Lý do mà EU đưa ra đó là "châu Âu còn hứng chịu mối đe dọa từ Iran nhiều hơn Mỹ".

Theo đó, nếu Iran thực sự theo đuổi chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân thì nước này chỉ cần chế tạo tên lửa tầm trung là đã có thể tấn công châu Âu, trong khi cần phải có tên lửa liên lục địa mới có thể đe doạ nước Mỹ. Lý lẽ này được đưa ra nhằm phản bác quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Iran vẫn đang bí mật theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân nhằm đe dọa phương Tây.

>> Arab Saudi sẵn sàng điều binh tới Syria

Tin mới lên