Tài chính quốc tế

Tổng thống Trump ra ‘yêu sách’ để tái tham gia TPP

(VNF) – Một năm sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng Mỹ có thể tái tham gia hiệp định này với điều kiện "có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn hẳn".

Tổng thống Trump ra ‘yêu sách’ để tái tham gia TPP

Tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ ngày 25/1.

"Tôi sẽ tham gia TPP nếu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn hẳn", Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn CNBC ngày 25/1 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ.

Theo quan điểm của ông, "thoả thuận trước đây rất kinh khủng. Cái cách mà nó được xây dựng cũng rất kinh khủng".

Ông Donald Trump tỏ ý ủng hộ các thỏa thuận thương mại song phương với các nước và ngoài TPP: "Tôi thích song phương, bởi nếu có vấn đề thì giải quyết dứt điểm được. Còn khi ở trong một hiệp định với nhiều nước như TPP, chúng ta không có lựa chọn tương tự như thế".

Ông cũng nhắc lại khả năng sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu đàm phán không đem lại thoả thuận tốt hơn.

Hai ngày sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump kí sắc lệnh rút khỏi TPP, tiếp đó là Canada tiếp tục trì hoãn tham gia hiệp định này khiến nhiều quốc gia cảm thấy bất an.

Việc rút lui khỏi TPP mang lại những lợi ích nhất định cho Mỹ và một vài quốc gia khác. Không có hiệp định này, việc giao thương sẽ mang tính song phương thay vì đa phương. Việc thương thảo song phương thường được thực thi dễ dàng và nhanh chóng hơn vì không vướng bận nhiều thủ tục cũng như quy định pháp lý.

Theo thống kê, Mỹ chỉ đạt được 16 thỏa thuận với 20 quốc gia trong năm 2016 sau khi chính quyền Obama chấp thuận TPP.

Tuy nhiên, việc rút khỏi TPP cũng gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ. TPP thiết lập những quy chuẩn nghiêm ngặt mà các quốc gia thành viên phải tuân theo. Không có những tiêu chuẩn này, thương mại sẽ trở nên lỏng lẻo vì một vài quốc gia sẽ cố gắng giành nhiều lợi ích hơn về phần mình. Điều đó sẽ tạo nên tình trạng bất cân bằng trong giao thương.

TPP được đề xuất và thảo luận suốt 10 năm và chính thức đạt được sự đồng thuận của đại đa số thành viên trong năm 2016. Quy mô của các nền kinh tế trong TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Việt Nam, 11 quốc gia còn lại thống nhất đổi tên TPP thành hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại.

Ngày 23/1, tại Tokyo, Nhật Bản, các nước còn lại đã tuyên bố kết thúc đàm phán hình thành CPTPP mà không có Mỹ. Tiếp theo, các nước sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý của mỗi nước rồi đến Chile để ký chính thức CPTPP vào ngày 8/3.

> Đàm phán CPTPP: Đã xử lý xong các vướng mắc, sẽ ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Chile


Tin mới lên