Tài chính

[Top 10 DNNY] Bảo Việt: 5 năm 'nước lên, thuyền lên'

(VNF) – Từ năm 2012 đến nay, quy mô của thị trường bảo hiểm đã tăng gấp đôi. Đứng trước một thị trường phát triển đầy năng động, Bảo Việt cũng không hề "thua chị kém em".

[Top 10 DNNY] Bảo Việt: 5 năm 'nước lên, thuyền lên'

Năm 2016, Bảo Việt trở thành doanh nghiệp tài chính – bảo hiểm đầu tiên ở Việt Nam cán mốc 1 tỷ USD doanh thu hợp nhất.

Nước lên, thuyền lên

Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ do nhu cầu được bảo vệ tài chính bằng bảo hiểm của người dân ngày càng cao. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm luôn ở mức trên 20%. Đồng thời, quy mô thị trường bảo hiểm so với năm 2012 đã tăng gấp đôi.

Đặc biệt, năm 2016 đánh dấu thời kỳ thăng hoa đỉnh cao của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 10 năm gần đây. Theo đó, Cục quản lý giám sát bảo hiểm ước tính tổng tài sản toàn thị trường năm 2016 đạt 239.413 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2012. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tổng tài sản ước đạt 171.828 tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tổng tài sản ước đạt 67.585 tỷ đồng.

Tổng doanh thu bảo hiểm năm 2016 ước đạt 101.767 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 86.049 tỷ đồng, tăng trưởng 22,64%. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 36.372 tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 49.677 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động đầu tư chạm mức 15.718 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, thị trường bảo hiểm đã có đến 62 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 13 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. So với năm 2012, số lượng đã tăng 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 1 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Nước lên, thuyền lên. Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm đầy sôi động nhưng không kém phần thách thức, Tập đoàn Bảo Việt đã có những bước đi chiến lược vững chãi, gặt hái nhiều thành quả ấn tượng và không hề thua kém so với nhiều đối thủ cạnh tranh đáng gờm khác. Đáng nói nhất, năm 2016, Bảo Việt trở thành doanh nghiệp tài chính – bảo hiểm đầu tiên ở Việt Nam cán mốc 1 tỷ USD doanh thu. Theo đó, kết thúc năm 2016, doanh thu hợp nhất đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2012, đồng thời hoàn thành 105% kế hoạch năm.

Trước đó, giai đoạn 2012 – 2015 cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng của Bảo Việt. Trong 4 năm liên tiếp, doanh nghiệp này luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao từ 7% - 11%, lần lượt đạt doanh thu hợp nhất là 14.007 tỷ đồng, 17.652 tỷ đồng, 19.050 tỷ đồng, 20.808 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng doanh thu hợp nhất năm 2014 đã chạm mức tăng trưởng 11,5%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đồng thời, Bảo hiểm Bảo Việt cũng liên tục mở rộng đại lý và các công ty thành viên. Riêng năm 2016, Bảo Việt đã mở thêm 6 công ty thành viên tại các địa bàn trọng điểm, nâng tổng số công ty thành viên toàn hệ thống lên 73, cùng với khoảng 30.000 đại lý và hơn 300 phòng bảo hiểm khu vực trên toàn quốc.

Xét về thị phần, Bảo Việt luôn nằm trong Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất cả nước. Cụ thể, về bảo hiểm nhân thọ, theo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bảo Việt Nhân thọ đứng vị trí thứ 2 với 25,7% thị phần, chỉ xếp sau Prudential Việt Nam với 29,9% thị phần. Còn về bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt cũng nằm ở vị trí thứ hai với thị phần 18,52%, đứng trước là Bảo hiểm PVI với 20,84% thị phần.

So găng cùng các "ông lớn" bảo hiểm

Theo báo cáo của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, 86% thị phần bảo hiểm nhân thọ rơi đã nằm trọn trong tay của Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu hiện tại là Prudential Việt Nam với 29,9% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ 2 với 25,7% thị phần, vị trí thứ 3 là Manulife Việt Nam với 12,1% thị phần, AIA Việt Nam với 9,2% thị phần, Dai-ichi Việt Nam chiếm 9,1%. Còn về mảng bảo hiểm phi nhân thọ, 60% thị phần cũng thuộc về 5 "ông lớn" ngành bảo hiểm là PVI (20,84%), Bảo Việt (18,52%), Bảo Minh (8,88%), PTI (7,59%) và PJICO (6,96%).

Mặc dù ở cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo Việt chỉ đứng thứ 2 về thị phần nhưng lại đuổi sát nút hai doanh nghiệp có thị phần đứng đầu là Prudential Việt Nam và Bảo hiểm PVI, cũng như bỏ xa các đối thủ ở vị trí sau. Tuy nhiên, nếu xét riêng về doanh thu phí mới thì Bảo Việt Nhân thọ lại có phần nhỉnh hơn so với Prudential Việt Nam. Cụ thể, năm 2016, phí bảo hiểm khai thác mới của Bảo Việt tăng trưởng 42,09% đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Còn xét về doanh thu, năm 2016 doanh thu bảo hiểm của Prudential đạt 13.532 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm trước, trong khi đó Bảo Việt đạt 13.456 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2015 và chỉ kém Prudential 76 tỷ đồng.

Đây được xem là nỗ lực bền bỉ và quyết tâm bứt phá thị trường trong thời gian dài của Bảo Việt, hơn nữa, Bảo Việt Nhân thọ còn là doanh nghiệp nội 100% duy nhất trên thị trường. Nếu tiếp tục quyết liệt và kiên trì trong việc tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong các hợp đồng mới thì Bảo Việt hoàn toàn có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với thị trí số một của Prudential.

Còn trên "mặt trận" bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo Việt đã có cú "soán ngôi" đầy ngoạn mục đối với Bảo hiểm PVI. Sau nhiều năm bị PVI dẫn dầu, năm 2016, Bảo Việt chính thức trở về "ngai vàng" bảo hiểm phi nhân thọ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, Tập đoàn Bảo Việt có doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ gốc đạt 6.562 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Trong khi đó, PVI lại có doanh thu khá khiêm tốn, chỉ đạt 6.528 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2015, cũng như kém Bảo Việt đến 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không chỉ chăm chú "thi đua" với Prudential và PVI – 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất thị trường bảo hiểm mà Bảo Việt cũng cần hết sức thận trọng với sức bật đáng nể của các doanh nghiệp bảo hiểm vừa và nhỏ những năm gần đây.

Mặc dù tranh nhau thị phần chưa đến 20% ở bảo hiểm nhân thọ và 40% thị phần ở bảo hiểm phi nhân thọ, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của các doanh nghiệp này lại vô cùng ấn tượng, lên tới 70,5%. Trong đó, thị phần tổng doanh thu phí cũng tăng từ 10,6% năm 2014 lên đến 14% năm 2015. Ngoài ra, doanh thu khai thác mới của nhóm doanh nghiệp nhỏ cũng đã tăng gần 65% trong năm 2015.

Tin mới lên