Tài chính

[Top 10 DNNY] Vingroup: 5 năm, 7 trụ cột và 1 hệ sinh thái

(VNF) – Không chỉ kinh doanh ấn tượng ở 6 lĩnh vực hiện tại là bất động sản, du lịch – giải trí, bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp, Vingroup còn đang "hồ hởi" mở rộng hệ sinh thái với "trụ cột thứ 7" VinFast.

[Top 10 DNNY] Vingroup: 5 năm, 7 trụ cột và 1 hệ sinh thái

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái Vingroup

Giai đoạn 2012 – 2016 ghi nhận những thành tích đáng nể trong hoạt động kinh doanh của Vingroup với 6 lĩnh vực chính là bất động sản, du lịch – giải trí, bán lẻ, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Sau 5 năm, doanh thu thuần của Vingroup đã tăng hơn 7 lần, từ 7.904 tỷ đồng năm 2012 lên đến 57.614 tỷ đồng năm 2016. Giá trị tổng tài sản cũng tăng trên 124 nghìn tỷ đồng, từ 55,8 nghìn tỷ đồng năm 2012 lên 180,5 nghìn tỷ đồng năm 2016. Đồng thời, vốn chủ sở hữu cũng tăng trên 34 nghìn tỷ đồng, từ 10,9 nghìn tỷ đồng năm 2012 lên đến 45,3 nghìn tỷ đồng năm 2016.

Ấn tượng hơn cả là những con số mà Vingroup đạt được trong lĩnh vực bất động sản, cụ thể, số lượng căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại bán được năm 2016 là 15.000 căn, gấp 3,4 lần so với năm 2014 với doanh số đạt 83.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong lĩnh vực bán lẻ - một trụ cột quan trọng trong hệ sinh thái Vingroup, số lượng trung tâm thương mại (TTTM) năm 2016 là 32, tăng gấp 10 lần với con số 3 ít ỏi 5 năm về trước. Tổ hợp hệ thống cửa hàng bán lẻ Vinmart, Vinmart+, VinPro, VinDS đạt số lượng 1.000 cửa hàng trong năm 2016, tăng gần 400 cửa hàng so với năm 2015.

Giai đoạn 5 năm gần đây là thời kỳ sôi động nhất của Vingroup trong việc liên tục "bành trướng" thế lực của mình tại nhiều mảng kinh doanh khác nhau.

Xây thêm trụ cột, mở rộng hệ sinh thái

Từ năm 2012 đổ về trước, Vingroup chỉ thuần "một màu" với lĩnh vực bất động sản và du lịch – giải trí. Rất nhiều dự án nhà ở, căn hộ, khách sạn giá trị cao cùng hành loạt trung tâm thương mại quy mô lớn rải khắp cả nước. Điển hình phải kể đến Khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nha Trang năm 2003; Tòa tháp đôi Vincom Center Bà Triệu – TTTM theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội năm 2004; Khu vui chơi Vinpearl Land năm 2005; Cáp treo Vinpearl năm 2007; Vincom Center Đồng Khởi tại TP Hồ Chí Minh năm 2010; Vinhomes Center Park cùng tòa nhà cao nhất Việt Nam – The Landmark 81 tại TP Hồ Chí Minh năm 2014 và mới đây nhất là dự án bất động sản đại chúng VinCity năm 2016.

Đến nay, lĩnh vực bất động sản vẫn đem về nguồn doanh thu lớn nhất cho Tập đoàn Vingroup, chiếm tới 70% doanh thu từ hoạt động kinh doanh năm 2016. Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sản đạt 3.280 tỷ đồng, chiếm 6% cơ cấu doanh thu còn hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 38.012 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65% tổng doanh thu của Vingroup. Mảng du lịch – giải trí thì khiêm tốn hơn, doanh thu chỉ đạt 4.723 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% trong cơ cấu doanh thu tập đoàn năm 2016.

Tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam, nằm trong khu tổ hợp Vinhomes Center Park.

Đến năm 2012, Vingroup chính thức bước chân vào lĩnh vực Y tế, ra mắt thương hiệu Vinmec, cùng với đó đưa vào vận hành Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec tại khu đô thị Times City từ tháng 1. Mục tiêu đặt ra cho Vinmec khá lớn, đó là trở thành bệnh viện quốc tế hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Ban đầu, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec chỉ có 600 giường bệnh cùng khuôn viên trên 2,5 ha với tòa nhà 7 tầng nổi. Sau 5 năm gia nhập thị trường khám chữa bệnh, Vingroup đã có tới 5 bệnh viện đa khoa quốc tế và 2 phòng khám quốc tế trên khắp cả nước cùng 1.200 giường bệnh và 340 bác sĩ. Doanh thu mảng Y tế cũng có nhiều khởi sắc với 1.093 tỷ đồng trong năm 2016, tăng gần 7,5 lần so với năm 2012 là 147 tỷ đồng, đồng thời chiếm 2% tổng doanh thu của Vingroup.

Lĩnh vực cốt lõi thứ 4, Giáo dục, được Vingroup lấn sân từ năm 2013 với thương hiệu Vinschool - hệ thống giáo dục liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Bắt đầu từ tháng 8/2013, Vingroup đã khai trương hai trường mầm non Vinschool đầu tiên tại khu đô thị Times City và Vincom Village. Các trường từ cấp tiểu học rồi trung học được xây dựng tiếp trong năm 2014 và 2015. Đến nay, Vinschool đã có đến 10 trường mầm non và trường phổ thông liên cấp cùng 13.000 học sinh, tăng 33% so với năm 2015. Doanh thu lĩnh vực Giáo dục đạt 713 tỷ đồng năm 2016, tăng trưởng 39% so với một năm trước đó.

Đặc biệt, năm 2016, Vingroup chính thức chuyển đổi lĩnh vực Y tế và Giáo dục sang mô hình phi lợi nhuận và cam kết đầu tư 100% lợi nhuận từ hai mảng này vào các mục tiêu xã hội. Đây được xem là bước tiến quan trọng của tập đoàn này trong việc theo đuổi xu hướng phát triển của các doanh nghiệp lớn trên thế giới, chú trọng vào thực hiện trách nhiệm xã hội.

Không "cam lòng" nhìn thị trường bán lẻ trở thành "sân chơi" riêng của các nhà đầu tư nước ngoài, Vingroup đã nhanh chóng gia nhập thị trường này vào năm 2014 với thương hiệu Vinmart và Vinmart+. Mở đầu là thương vụ đình đám mua lại 70% cổ phần của CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail, trị giá tới 570 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express. Sau đó, Vingroup đã đổi tên doanh nghiệp này thành Công ty Cổ phần Siêu thị Vinmart và ra mắt hệ thống siêu thị mới mang tên Vinmart và Vinmart+.

Chỉ sau một năm, Vingroup với thế mạnh tài chính đã nhanh chóng trở thành "ông hoàng bán lẻ" tại thị trường Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2016, hệ thống đã mở thêm 500 cửa hàng bán lẻ. Dự kiến trong năm 2017, Vingroup sẽ mở thêm 1000 cửa hàng, nâng tổng số lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm nay. Ngoài ra, Vingroup cũng cho ra đời nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ mới là Vinpro - bán lẻ điện máy, VinDS - bán lẻ giày dép và Thương mại điện tử Adayroi. Chỉ nhiêu đó cũng đủ để Vingroup trở thành một "thế lực" trong ngành bán lẻ.

Sinh sau đẻ muộn, nhưng kết quả kinh doanh mảng bán lẻ của Vingroup khiến nhiều người kinh ngạc. Kết thúc năm 2016, mảng bán lẻ đạt doanh thu 8.931 tỷ đồng, chiếm tới 15% cơ cấu doanh thu của tập đoàn và chỉ xếp sau mảng bất động sản. Trong đó, công đầu thuộc về hai thương hiệu nổi tiếng nhất là Vinmart và Vinmart+.

Chỉ sau một năm, Vingroup với thế mạnh tài chính đã nhanh chóng trở thành "ông hoàng bán lẻ" tại thị trường Việt Nam.

"Mảnh ghép" tiếp theo - Nông nghiệp - được ra mắt vào năm 2015 với thương hiệu VinEco. Công ty VinEco có số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, tập trung vào trồng trọt, cho ra đời rau củ hữu cơ và ra quả sạch cho thị trường. Kết thúc năm 2016, VinEco đã có 14 trang trại, 630 ha diện tích đã khai thác và kinh doanh cùng hơn 9.600 tấn sản lượng với 325 loại rau, củ, quả.

Với hệ sinh thái Vingroup, người dân đã có thể ở trong căn hộ Vinhomes, đi khám bệnh tại Vinmec, theo học tại Vinschool, mua sắm tại Vinmart, nghỉ dưỡng tại Vinpearl và ăn thực phẩm sạch của VinEco.

Dường như Vingroup đã cung cấp những dịch vụ phục vụ nhu cầu sống cơ bản nhất cho người dân. Nhưng không, tập đoàn này vẫn còn "ôm ấp" nhiều tham vọng khác, trong đó có tham vọng gia nhập lĩnh vực công nghiệp nặng với thương hiệu ô-tô riêng đầu tiên của Việt Nam – VinFast.

Trụ cột thứ 7 - VinFast

Hôm 2/9 vừa qua, nhà máy sản xuất ô-tô và xe máy VinFast được khởi công xây dựng tại khu kinh tế Đình Vũ – Cải Hải, Hải Phòng với trị giá đầu tư từ 1 – 1,5 tỷ USD trong giai đoạn đầu. Tờ Nikkei, Nhật Bản nhận định, VinFast có thể là thương hiệu ô-tô đầu tiên của Việt Nam.

Đồng thời, VinFast cũng đánh dấu bước đầu gia nhập vào lĩnh vực Công nghiệp nặng của Tập đoàn Vingroup. Mục tiêu của VinFast là trở thành nhà sản xuất ô-tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Sản phẩm chủ lực sẽ là ô-tô động cơ đốt trong, ô-tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

Nói về dự án ô tô của Vingroup nói riêng và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, ôtô không chỉ là ôtô, mà còn là thương hiệu của quốc gia. Một đất nước có thu nhập bình quân người dân trên dưới 3.000 USD, xu hướng ôtô hoá đang phổ cập, thì không cớ gì không phát triển công nghiệp ôtô.

Với đại dự án VinFast, Vingroup đã chính thức ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sản xuất xe thế giới với dòng xe thương hiệu Việt đầu tiên.

Vingroup cũng hứa hẹn sự thành công của VinFast khi chiêu mộ nhiều nhân tài cũng như các chuyên gia có kinh nghiệm làm việc tại các hãng sản xuất ô-tô hàng đầu thế giới như BMW, General Motors, Bosch,… Đồng thời, tập đoàn cũng ký kết hợp tác với các đối tác uy tín toàn cầu như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL, Durr, Henn,… và các studio thiết kế hàng đầu thế giới như Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign,…

Mặc dù có nhiều biện pháp bảo hộ, tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam hiện vẫn chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như chưa có thương hiệu ô tô riêng. Bản thân Tập đoàn Vingroup cũng đánh giá, tương lai của ngành công nghiệp tỷ đô này sẽ còn bấp bênh nếu doanh nghiệp Việt chưa có giải pháp để làm chủ thị trường.

Rõ ràng, những rào cản đang hiện hữu sẽ là một thách thức không nhỏ cho tham vọng mới của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Nhưng với tiềm lực mạnh của Vingroup cũng như cách họ đã dám làm và gặt hái được thành công ở các lĩnh vực mới ngoài mảng bất động sản cốt lõi như y tế, giáo dục, nông nghiệp, bán lẻ…. chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một thương hiệu ô tô Việt trong tương lai.

Tin mới lên