Tài chính quốc tế

Toshiba đối mặt với án phạt tài chính khủng 60 triệu USD

(VNF) - Ngày 7/12, Ủy ban Giám sát giao dịch chứng khoán Nhật Bản đã đề xuất mức xử phạt 7,37 tỷ yên (tương đương 60 triệu USD) cho vụ bê bối tài chính lớn nhất Nhật Bản tại Tập đoàn Toshiba. Đây được xem là mức phạt cao nhất trong lịch sử của Ủy ban này.

Toshiba đối mặt với án phạt tài chính khủng 60 triệu USD

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Toshiba đã qua mặt các nhà đầu tư bằng việc gian lận báo cáo tài chính, đã "phù phép" để biến lỗ thành lãi, theo một tuyên bố từ Ủy ban vào hôm nay 7/12.

Ủy ban này vẫn đang xem xét liệu có nên đề nghị hình phạt đối với các cựu Giám đốc điều hành tại Toshiba hay không, một nguồn tin thân cận cho biết.

Theo báo cáo điều tra được công bố trước đó, từ năm 2008 đến nay, Tập đoàn này đã khai khống tài chính lên tới 170 tỷ yên (tương đương 1,22 tỷ USD). Con số này gấp 3 lần so với ước tính ban đầu khoảng 50 tỷ yên (tương đương 350 triệu USD).

Báo cáo dài 300 trang của Ủy ban điều tra công bố ngày 20/7 đã khẳng định, các sai lệch kế toán ban đầu được phát hiện tại các dự án hạ tầng của tập đoàn thuộc các lĩnh vực hạt nhân, thủy điện, thiết bị điện gió, kiểm soát không lưu và hệ thống đường sắt.

Sau đó, khi thẩm tra sổ sách kế toán của các lĩnh vực khác như sản phẩm nghe nhìn, máy tính cá nhân và sản xuất con chip, Ủy ban này lại phát hiện thêm nhiều gian lận tài chính khác.

Vụ bê bối của Toshiba bị phanh phui khi cơ quan chức năng phát hiện ra những điểm bất thường trong sổ sách kế toán của công ty hồi đầu năm nay. Cơ quan điều tra đã nghi ngờ khi Ban lãnh đạo Toshiba đặt ra những mục tiêu không tưởng ngay sau khi hoạt động của bộ phận liên quan đến năng lượng hạt nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Fukushima năm 2011.

Sau bê bối của Tập đoàn Olympus hồi năm 2011, đây được xem là vụ bê bối tài chính kế toán lớn nhất của Nhật Bản. Khi đó, Olympus bị phát hiện đã công bố các báo cáo tài chính chênh lệch tới 1,7 tỷ USD so với thực tế nhằm che giấu tình hình thua lỗ trong suốt từ thập niên 90 đến năm 2011. 

Các nhà điều tra đã phát hiện một số quan chức cấp cao của Tập đoàn này có dấu hiệu tham gia vào các vi phạm. Kết quả điều tra cho thấy là ban lãnh đạo của Tập đoàn Toshiba đã chủ định sử dụng thủ thuật kế toán để thổi phồng lợi nhuận bằng nhiều cách để làm đẹp báo cáo tài chính nhằm mục đích che giấu những khoản lỗ do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nhằm đánh lạc hướng nhà đầu tư.

Sau khi bê bối tài chính này bị phanh phui, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) Toshiba Hisao Tanaka đã tuyên bố từ chức, đồng thời thừa nhận scandal nêu trên là "vết đen lớn nhất trong suốt lịch sử 140 năm của tập đoàn".

Theo kiểm toán và điều tra, việc làm sai lệch sổ sách kế toán ở Toshiba đã diễn ra dưới 3 đời CEO liên tiếp bao gồm cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Hisao Tanaka và hai người tiền nhiệm là ông Norio Sasaki (2009-2013) và Atsutoshi Nishida (2005-2009). 

Cả ba vị này đều gây sức ép đạt mục tiêu doanh số cao, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi kết quả không đạt, họ đã chỉ đạo cấp dưới che lấp khoản thua lỗ khi vào sổ sách.

Tập đoàn Toshiba cũng đã phải đối mặt với các vụ kiện cáo từ các cổ đông. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa ra thông báo chính thức về kết quả điều tra cùng những bằng chứng truy tố hình sự các cựu CEO của Toshiba.

Toshiba đã phải dành ra 8,4 tỷ yên để dự phòng cho những án phạt liên quan đến những sai phạm trong kế toán, đồng thời đã phải thay đổi cách quản lý, cải tổ bộ máy điều hành và phải bán tài sản trong bối cảnh vụ bê bối liên tục được mở rộng khi có thêm những vi phạm được phát hiện. Toshiba đang tiến hành kiện ba cựu CEO và hai cựu Giám đốc tài chính với mức yêu cầu đền bù 300 triệu yên (tương đương 2,4 triệu USD) vì đã gây ra thiệt hại cho hãng. 

Hiện nay, Toshiba đang xem xét việc sáp nhập mảng máy tính cá nhân trong liên doanh với Fujitsu và Quỹ đầu tư các đối tác công nghiệp Nhật Bản (IDC) với thương hiệu máy tính Vaio. Nếu thương vụ thành công, nhiều khả năng Vaio sẽ là thương hiệu đứng đầu trong khi Toshiba và Fijitsu sẽ đầu tư vốn và chuyển giao các hoạt động về chung một mối.

Doanh thu từ máy tính cá nhân của Toshiba chiếm khoảng 7% tổng doanh thu, tương đương 128 tỷ yên trong tháng 9 theo dữ liệu của Bloomberg.

Việc kết hợp này được kỳ vọng sẽ tạo ra một công ty mới có thể hoạt động tốt hơn ở thị trường trong nước cũng như trên toàn cầu trước thực trạng nhu cầu máy tính cá nhân đang suy giảm do người tiêu dùng chuyển sang máy tính bảng và điện thoại thông minh. Sản lượng máy tính cá nhân trên toàn thế giới đã giảm khoảng 4,9% xuống 300 triệu chiếc trong năm nay sau khi đạt đỉnh 364 triệu USD trong năm 2011, theo IDC.

Tin mới lên