Tiêu điểm

TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng mức xử phạt đối người vi phạm giao thông

(VNF) – Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng: "Đây là một trong những giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm mà TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai".

TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng mức xử phạt đối người vi phạm giao thông

TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng mức phí xử phạt đối với người vi phạm giao thông.

Theo đề xuất của TP. Hồ Chí Minh, tăng mức xử phạt đối với nhóm người tham gia giao thông dừng xe không đúng vị trí quy định; đi vào đường cấm, ngược chiều, lấn làn; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của cảnh sát giao thông…

Tiếp đến, tăng mức phí xử phạt đối với nhóm người thi công công trình trên đường bộ không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông tại nơi thi công; không thu dọn biển hiệu, rào chắn, không hoàn trả mặt đường sau khi thi công xong…

Cuối cùng, tăng mức xử phạt đối với nhóm người vi phạm vệ sinh môi trường để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường; chở hàng rời, chất thải không có bạt che đậy; phương tiện giao thông rơi kéo bùn đất ra đường…

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, trước khi thực hiện, Sở sẽ đánh giá tác động, thăm dò hiệu quả quy định trên tinh thần "tăng mức xử phạt nhưng không phải là chăm chăm đi phạt", mà sẽ tăng lực lượng túc trực hướng dẫn.

Ông Cường nhấn mạnh, "Không phải chờ đến lúc người dân vi phạm để xử lý mà mục đích là để hạn chế tối đa hành vi vi phạm. Muốn vậy phải tuyên truyền tốt, nhắc nhở kịp thời, lực lượng chức năng cũng phải nghiêm minh khi thực hiện để tránh tình trạng bất bình đẳng, đồng thời ứng dụng thêm công nghệ trong kiểm soát xử phạt".

Liên quan đến việc tăng mức xử phạt đối với người vi phạm giao thông, ông Cường khẳng định, "Đây là một trong những giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm mà TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai".

Ông Cường cho biết, tăng mức phạt không phải để tạo nguồn thu, mà để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe, gián tiếp nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân".

Đồng thời, các khoản tiền thu được từ xử phạt được dùng các việc, bao gồm bồi dưỡng cho lực lượng chuyên ngành triển khai quy định, phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng dẫn của Bộ Tài chính như trước đây.

"Khoản tiền tăng thêm từ xử phạt nếu được áp dụng cũng được dùng vào mục đích đó, tất cả đều có kiểm tra, kiểm toán đầy đủ", ông Cường khẳng định.

Liên quan đến đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông, ông Lâm Thiếu Quân – nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm ủng hộ tăng mức phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, thực hiện tăng mức phí xử phạt vi phạm giao thông để đạt được mục tiêu nên tăng tính răn đe chứ không phải để "chăm chăm xử phạt người vi phạm.

"Phải tùy, chẳng hạn lỗi vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần bởi cùng một người thì rất cần phạt nặng. Nhưng với những trường hợp bất khả kháng, hoặc vi phạm lần đầu thì không nên cứng nhắc", ông Quân nói.

Theo ông Quân, nếu thành phố nhất trí cho tăng mức phạt thì công an cần có quy định cụ thể phạt nặng trong trường hợp nào. Chẳng hạn như trong một quý mà người đó vi phạm liên tiếp hai lần thì phạt gấp đôi, sẽ khiến họ không dám tái phạm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để biết người tái phạm hoàn toàn "nằm trong tầm tay của ngành công an".

Được biết, đây không phải lần đầu TP. Hồ Chí Minh muốn tăng mức xử phạt vi phạm giao thông. Nhưng thực tế, một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông chưa có mức xử phạt xứng đáng khiến người vi phạm không e ngại.

Tin mới lên