Bất động sản

TP.HCM: Vì sao khu Đông vẫn giữ vị thế ‘độc tôn’ trên thị trường bất động sản?

(VNF) – Trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường bất động sản khu Nam, Tây Nam TP. HCM, khu Đông vẫn duy trì vị thế là khu vực sôi động nhất. Hấp lực từ hạ tầng "siêu khủng" kéo theo tăng trưởng giá trị và niềm tin thị trường, đây là các yếu tố sẽ giúp khu Đông duy trì vị thế.

TP.HCM: Vì sao khu Đông vẫn giữ vị thế ‘độc tôn’ trên thị trường bất động sản?

Năm 2017, khu Đông tiếp tục được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào hàng loạt dự án lớn nhỏ. Cụ thể, TP. HCM đã khởi công dự án cải tạo nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông, đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc trị giá 250 tỷ đồng, Dự án gần 300 tỷ đồng xây dựng cầu Bà Cua, nhánh phải trên đường vành đai phía Đông.

Các dự án lớn cũng đã đưa vào sử dụng như đường cầu Bình Triệu thuộc quận Bình Thạnh hơn 42,5 tỷ đồng. Dự án xây dựng cầu Tăng Long ở quận 9 với kinh phí hơn 450 tỷ đồng, xây mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 hơn 425 tỷ đồng, 495 tỷ đồng xây dựng cầu qua đảo Kim Cương.

Trong năm 2018, TP. HCM cũng sẽ triển khai hàng chục dự án hạ tầng mới ở khu Đông. Điển hình như dự án nạo vét hai tuyến rạch Môn-sông Kinh và rạch Bà Đa-rạch Giáng ở quận 9 và xây dựng cầu Cây Me trên đường Long Thuận, cầu Đình trên đường Long Thuận có tổng mức đầu tư khoảng 868 tỉ đồng.

Trước đó, TP. HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng một loạt tuyến đường, công trình lên 40-60m như Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Việt, Nguyễn Xiển và mới đây nhất là tuyến Tô Ngọc Vân... tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Thành phố cũng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho lựa chọn nhà đầu tư để sớm hoàn thành như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa Lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, từ nay đến năm 2020 khu Đông sẽ triển khai thêm hàng chục dự án hạ tầng lớn nhỏ nữa, với tổng vốn đầu tư lên đến 250.000 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp cho diện mạo toàn khu vực này có sự thay đổi đáng kể.

Một báo cáo của CBRE vừa công bố cho thấy, trong năm 2017 khu Đông vẫn dẫn đầu trong rổ hàng của thị trường bất động sản khi chiếm đến 35% nguồn cung. Khu Nam Sài Gòn chiếm 32%, khu Tây 14%, phía Bắc TP. HCM có 16% và khu vực trung tâm góp 3% vào số lượng căn hộ. 

"Với những lợi thế sẵn có, khu Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng của thị trường trong năm 2018. Giá bán trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ tăng trung bình 3%. Trong đó, phân khúc cao cấp và hạng sang tăng 5%, phân khúc bình dân và trung cấp có mức tăng thấp hơn là 1,5%", bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cao cấp Công ty CBRE Việt Nam nhận định.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), một trong các yếu tố tạo ra hấp lực cho khu Đông là môi trường sống. Đây là khu vực sở hữu mạng lưới sông ngòi dày đặc, không gian nhiều mảng xanh. Những dự án nằm bên bờ sông Sài Gòn thu hút khách hàng hơn cả bởi bầu không khí thoáng đãng, tầm nhìn đẹp và cảnh quan xanh mát ven bờ.

"Khu Đông được quy hoạch để trở thành trung tâm hành chính tương lai của TP. HCM, với mục tiêu thúc đẩy khu vực này trở thành một Singapore thứ hai. Do đó, đây cũng là khu vực được chú trọng đầu tư những công trình trọng điểm đánh thức tiềm năng toàn khu vực", ông Châu nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Thế Hiển, hấp lực nội tại của khu Đông sẽ còn tăng cao khi dòng tiền đang có chiều hướng quay trở lại thị trường bất động sản. Năm 2018, thị trường bất động sản vẫn là kênh chọn lựa của nhiều nhà đầu tư nhưng sẽ có sự phân hóa và chọn lựa dựa trên nhu cầu và năng lực tài chính.

"Nguồn vốn rót vào thị trường bất động sản vẫn khá dồi dào, đến từ các kênh tín dụng ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân, vốn đầu tư nước ngoài thông qua hợp tác và M&A, thị trường chứng khoán. Trong đó, khu Đông sẽ là nơi hút dòng tiền mạnh nhất", ông Hiển nói.

Tin mới lên