Tiêu điểm

'Trên nóng, dưới lạnh', 'trên bảo, dưới không nghe' vẫn còn phổ biến'

(VNF) – Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp khai mạc sáng nay (17/5), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Vũ Tiến Lộc nhận định các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ

'Trên nóng, dưới lạnh', 'trên bảo, dưới không nghe' vẫn còn phổ biến'

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết doanh nghiệp hiện nay vẫn đang hết sức khó khăn do gánh chịu nhiều chi phí

Theo ông Lộc, hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015. Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

"Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm", ông Lộc nói.

Dẫn "Báo cáo năm 2017" của Ngân hàng Thế giới, ông Lộc cho biết chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, cao hơn 2 lần so với Singapore Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… càng làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của "Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016" của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận họ phải trả loại phí này. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến ở nhiều nơi.

Ông Vũ Tiến Lộc: ‘Doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn’ ảnh 1

Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải chịu nhiều khoản phí nặng nề rất cần được hỗ trợ

"Giảm chi phí cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết. Nhưng giảm chi phí không phải là tất cả. Gần đây, khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng cái cần nhất với doanh nghiệp không phải là hỗ trợ.

"Các doanh nghiệp cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, cần một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn", ông Lộc khẳng định.

Tuy vậy, theo ông Lộc, hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê trong tương quan so sánh với các chuẩn mực tiên tiến của thế giới.

Chẳng hạn, trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán, sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp lại đang là điểm quan ngại hàng đầu.

Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, trong đó có rất nhiều đoàn thanh tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường là một thực tế phổ biến. Cụ thể, có khoảng 14% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, trên 50% cho rằng các cuộc kiểm tra có những nội dung trùng lặp.

Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện nói trên một mặt là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Trên quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, theo rà soát bước đầu của VCCI, có tới ít nhất trên 20 quy định như vậy đã được nêu ra trong báo cáo gửi Chính phủ.

Ông Vũ Tiến Lộc: ‘Doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn’ ảnh 2

Ông Vũ Tiến Lộc: "Doanh nghiệp cần một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng..."

Theo ông Lộc, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc. Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo, dưới không nghe" vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi.

Để khắc phục việc này, ông Lộc đề nghị, sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35, trong đó làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần đạt được trong năm nay. Bên cạnh đó, nêu rõ thời hạn chót cần thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của các ngành các cấp trong khâu thực hiện và có chế tài để bảo đảm thực thi vì mỗi năm nên có một chỉ thị như vậy. Đồng thời, sớm tổng kết và nhân rộng các thực tiễn tốt, những mô hình và công nghệ cải cách ở các Bộ ngành và địa phương.

"Vì Hội nghị lần này diễn ra với tinh thần ‘đồng hành cùng doanh nghiệp’, chúng tôi đề nghị việc giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp cũng phải trên tinh thần đó. Tránh tình trạng nhiều cơ quan, bộ ngành địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp theo cách chỉ ‘giải thích mà chẳng giải quyết’, không đi với doanh nghiệp đến cùng để đề xuất, kiến nghị bổ sung sửa đổi các quy định pháp luật đã thấy rõ là không còn phù hợp và không vận dụng các quy định pháp luật theo hướng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp chứ không đẩy khó khăn về doanh nghiệp", ông Lộc nói.

Tin mới lên