Tài chính quốc tế

Triều Tiên sẵn sàng đàm phán hạt nhân vì cạn kiệt ngoại tệ?

(VNF) - Sự nhiệt tình của ông Kim Jong Un đối với các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên diễn ra trong tình hình sụt giảm nghiêm trọng dự trữ ngoại hối.

Triều Tiên sẵn sàng đàm phán hạt nhân vì cạn kiệt ngoại tệ?

Kim Jong Un gặp gỡ với phái viên Hàn Quốc Chung Eui-yong ở Bình Nhưỡng

Theo các nhà phân tích Hàn Quốc, lệnh trừng phạt đã gây tổn hại không ít đến nền kinh tế của Triều Tiên. Hạn chế xuất khẩu trong năm 2017 đã khiến dự trữ ngoại hối của Triều Tiền giảm sút, không đủ để nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu trong năm nay.

Các nhà nghiên cứu của Korea Institute for International Economic Policy, trụ sở tại Sejong, Seoul, cho hay: "Thêm một nguy cơ nữa đối với chế độ Bình Nhưỡng là sự gia tăng lạm phát".

"Nếu ước tính trữ lượng ngoại tệ của CHDCND Triều Tiên là chính xác, nhập khẩu sẽ giảm trong năm 2018, dẫn đến sự sụt giảm hoạt động tại các thị trường tư nhân (private market) và trong sản xuất công nghiệp nửa cuối năm", Choi Jang Ho, một nhà nghiên cứu tại Korea Institute for International Economic Policy cho hay.

"Việc gián đoạn nhập khẩu nguyên liệu thô và dầu thô sẽ không tránh khỏi làm thay đổi các chính sách công nghiệp của Kim Jong Un", ông Choi cho biết thêm.

Xuất khẩu của CHDCND Triều Tiên sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này - giảm 37% trong năm 2017 trong khi nhập khẩu tăng 4%, để lại thâm hụt thương mại hàng hoá là 1,7 tỷ USD, theo dữ liệu của các cơ quan Hàn Quốc.

Choi ước tính trữ lượng ngoại tệ của Bắc Triều Tiên chỉ khoảng 4 tỷ USD đến 5 tỷ USD, quá nhỏ khi so với 395 tỷ USD của Nam Triều Tiên. Ông Kang Seok-ho, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc, cho biết các thông tin về Triều Tiên chỉ là phỏng đoán nhưng khả năng cao dự trữ ngoại hối của quốc gia này có thể sẽ cạn kiệt vào khoảng tháng 10 tới nếu các biện pháp trừng phạt quốc tế vẫn được tiếp tục.

Theo ông Choi, sự ổn định tương đối của đồng tiền Won của Bắc Triều Tiên (KPW) và giá hàng hoá tại các thị trường trong nước có thể thay đổi trong năm nay.

Kim Byung-yeon, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Tiết lộ nền kinh tế Bắc Triều Tiên", ước tính rằn nguồn ngoại tệ mà các nhà chức trách Bắc Triều Tiên đang nắm giữ có thể từ 3 tỷ đến 7 tỷ USD.

"Nền kinh tế của Bắc Triều Tiên có thể giảm 2% vào năm ngoái khi các biện pháp trừng phạt kinh tế có hiệu lực", ông Kim nói.

"Sự sụt giảm dự trữ ngoại tệ sẽ tiếp tục trong năm nay, mặc dù không nhiều như năm 2017 do hàng nhập khẩu có thể giảm cùng với xuất khẩu", ông Kim cho biết thêm.

"Các nhà chức trách Triều Tiên có thể đã có những biện pháp để kiểm soát giá cả trong một thời gian ngắn, nhưng họ không thể làm điều đó mãi và giá các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi biện pháp trừng phạt sẽ bắt đầu tăng lên", Lim Kang-taeg, một nhà nghiên cứu của Korea Institute for National Unification cho biết.

Tin mới lên