Tài chính quốc tế

Trung Quốc, Ấn Độ đang viết lại luật chơi thị trường dầu mỏ

(VNF) - Trong khi cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay dẫn đến một số biến động thay đổi cuộc chơi trên thị trường năng lượng toàn cầu, hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, đang tận dụng sự dư thừa nguồn cung để viết lại các quy tắc lâu đời trên thị trường này.

Trung Quốc, Ấn Độ đang viết lại luật chơi thị trường dầu mỏ

Nhu cầu dầu mỏ tại Ấn Độ và Trung Quốc tăng trưởng theo cấp số nhân trong 25 năm qua. Tổng cộng, hai quốc gia này đã tiêu thụ 16% lượng dầu của thế giới - lượng tiêu thụ chỉ đứng sau Mỹ tại 20%.

Các chuyên gia phân tích dự báo vào năm 2040, hai nền kinh tế đang phát triển này sẽ tăng gấp đôi mức tiêu thụ lên đến 30%. Đây là những con số đang làm thay đổi luật chơi cho tất cả các nhà sản xuất dầu thô lớn đang tìm cách thâm nhập vào hai thị trường này.

Đáng chú ý, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang có xu hướng rời khỏi các hợp đồng dài hạn với các quốc gia sản xuất dầu mỏ Trung Đông, đồng thời cũng ủng hộ các hợp đồng mua hàng tại châu Phi, theo Reuters.

Vào đầu thập kỷ này, Nga cung cấp khoảng 7% lượng dầu nhập khẩu Trung Quốc, trong khi 20% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, trong năm 2015, Nga đã vượt qua Ả Rập Xê Út trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc với lượng dầu cao hơn gấp 4 lần. Ả Rập Xê Út đã bị mất vị trí dẫn đầu trong 5 năm qua, theo số liệu từ RBC Capital Markets

Chiến lược gia hàng hóa tại RBC Capital Markets, Michael Tran chỉ ra rằng 7 quốc gia khác đã đánh bại mức tăng trưởng lượng dầu vào Trung Quốc của Ả Rập Xê Út trong 5 năm qua, thể hiện tại biểu đồ dưới đây.

Giai đoạn 2010 - 2015, thị phần xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê Út vào Trung Quốc đứng thứ 8 sau 7 quốc gia là Nga, Irap, Oman, Venezuela, UAE, Colombia, Nam Sudan. Nguồn: RBC Capital Markets.

"Ả Rập Xê Út bị soán mất ngôi vương trên thị trường năng lượng do giá bán của các nhà sản xuất nước này tại châu Á là không đủ hấp dẫn", Bloomberg trích dẫn nhận định của Gao Jian, chuyên gia phân tích tại International SCI, một hãng tư vấn năng lượng tại Sơn Đông, Trung Quốc.

Mặt khác, Nigeria đã vượt qua Ả Rập Xê Út trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ trong năm 2015, theo báo cáo của Reuters. Các nhà máy tinh chế dầu lớn của Ấn Độ như Reliance, đã tận dụng cơ hội khi giá dầu thô Brent giảm để mua dầu thô Nigeria chất lượng cao với mức giá thấp hơn.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang đang tận dụng sự sụt giảm của giá dầu để thu mua từ các nhà sản xuất dầu thô và các hãng sản xuất này sẵn sàng giao dịch do nguồn cung dư thừa.

Với 80% nhu cầu dầu của Ấn Độ đến từ dầu nhập khẩu, dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi, Ấn Độ đang dần hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng. "Nếu chúng ta muốn không bị phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, chúng ta phải cố gắng sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài", Sudhir Vasudeva, cựu Chủ tịch và Giám đốc quản lý của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ - Indian Oil & Natural Gas Corp cho biết.

Tại Siberia (Nga), liên doanh ba công ty Ấn Độ sẽ mua 29,9% cổ phần tại Taas-Yuriakh Neftegazodobycha và 23,9% cổ phần của Vankorneft. Oil & Natural Gas cũng sở hữu thêm 11% cổ phần (từTập đoàn năng lượng Nga Rosneft) tại Vankorneft ngoài 15% cổ phần mà công ty này đã mua hồi tháng 9/2015, theo Sunjay Sudhir, thư ký hợp tác quốc tế tại Bộ dầu khí Ấn Độ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang có kế hoạch thúc đẩy giá dầu thô tương lai tại Thượng Hải có tiếng nói lớn hơn trong giá dầu thô thế giới.

"Các công ty dầu khí Trung Quốc đã trở thành cường quốc mới trong thị trường kinh doanh xăng dầu", Oystein Berentsen, Giám đốc phụ trách dầu thô tại Strong Petroleum, Singapore cho biết.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đang tận dụng sự sụt giảm giá dầu để tạo ra những lợi ích. Các quan hệ đối tác mới đang được hình thành và những kế hoạch đang được thực hiện. Mỗi cuộc khủng hoảng đều tạo ra một sự thay đổi, và hiện tại sức mạnh đang dịch chuyển từ các nhà sản xuất cho sang các thị trường tiêu thụ.

Tin mới lên