Tài chính quốc tế

Trung Quốc chi mạnh tay để mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ

Báo cáo của cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ gần đây nhận định Trung Quốc đã chi bộn tiền cho các kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng tại Mỹ thông qua các tổ chức nước ngoài.

Trung Quốc chi mạnh tay để mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai trương Viện Khổng Tử tại London, Anh năm 2015 (Ảnh: Reuters)

Được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ, bản báo cáo dài 39 trang đã tập trung vào Mặt trận Thống nhất - cơ quan có nhiệm vụ gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc. Tác giả của báo cáo tin rằng Mặt trận Thống nhất đã đóng vai trò trong việc mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Mặt trận Thống nhất đóng vai trò thúc đẩy hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc, gây sức ép để những cá nhân sống trong các xã hội tự do và mở cửa tự kiểm duyệt và tránh thảo luận những vấn đề gây bất lợi cho đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu các nhóm chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh”, bản báo cáo với sự hậu thuẫn của Quốc hội Mỹ cho biết.

Theo báo cáo trên, các tổ chức lớn tại Mỹ như Đại học John Hopkins và các trung tâm nghiên cứu như Hội đồng Đại Tây Dương, Viện nghiên cứu Brookings và Trung tâm Carter đều từng nhận quỹ tài trợ trực tiếp từ các cơ quan khác nhau của chính phủ Trung Quốc hoặc hợp tác trong các dự án do Mặt trận Thống nhất viện trợ tài chính.

Báo cáo của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tác động để các tổ chức nước ngoài giúp Bắc Kinh truyền tải thông điệp. Một phần của động thái này là vì Trung Quốc tin rằng những người nước ngoài dễ dàng chấp nhận thông điệp tuyên truyền hơn nếu thông điệp đó được phát đi từ các nguồn “ngoài Trung Quốc”.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang phát triển mạng lưới các tổ chức “cơ sở”, bao gồm 142 Hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ (CSSSA) cùng hơn 100 Viện Khổng tử. Thông thường các tổ chức này ra đời với mục đích thúc đẩy giao lưu văn hóa và giới thiệu tiếng Trung Quốc.

Tuy nhiên, báo cáo của Mỹ nghi ngờ các tổ chức này là những “bình phong” cho các hoạt động tình báo và tuyển dụng tình báo của Trung Quốc và là công cụ để thúc đẩy các chương trình nghị sự của Trung Quốc, bao gồm các vấn đề liên quan tới các đối thủ địa chính trị của Bắc Kinh.

“Hầu hết người Mỹ và nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ không biết về quy mô của các hoạt động do mạng lưới của Trung Quốc vận hành”, Larry Wortzel, một thành viên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, nói với Washington Free Beacon.

Ông Wortzel cho biết Quốc hội Mỹ đã được thông báo về kết quả của báo cáo liên quan tới Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ nên coi các tổ chức được Trung Quốc hậu thuẫn là các đơn vị tình báo của Bắc Kinh ở nước ngoài.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc như một đối thủ chính trị và kinh tế, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng căng thẳng sau các biện pháp áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gần đây cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại Mỹ.

Ngày 18/8, Tổng thống Trump cũng đăng một bình luận trên Twitter, cho rằng các nhà điều tra nên mở rộng phạm vi cuộc điều tra về khả năng các nước bên ngoài can thiệp bầu cử Mỹ, không nên chỉ tập trung vào riêng Nga.

“Tất cả những gã khờ vốn chỉ tập trung vào Nga nên bắt đầu nhìn sang một hướng khác, đó là Trung Quốc”, ông Trump viết.

Xem thêm >> Thêm một khách nữ bị giết hại, Didi Chuxing ngừng dịch vụ đi nhờ xe

Tin mới lên