Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang thắng Mỹ trong 'cuộc chiến kinh tế'

(VNF) - Hai chuyên gia chính sách đối ngoại Robert Blackwill và Jennifer Harris cho rằng khi vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng tầm ảnh hưởng kinh doanh và tài chính để đạt được những gì họ muốn.

Trung Quốc đang thắng Mỹ trong 'cuộc chiến kinh tế'

Và hai chuyên gia này cho rằng, xét về khía cạnh "chiến tranh kinh tế", Trung Quốc đang thắng Mỹ. 

Khi Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba năm 2010, Trung Quốc đã đột ngột giảm đáng kể lượng nhập khẩu cá hồi từ Na Uy, đồng thời ngừng các cuộc đàm phán thương mại. Lưu Hiểu Ba bị buộc tội dính líu tới việc "xúi giục chống phá nhà nước" Trung Quốc vào năm 2009.

Khi căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ trên biển đông giữa Philippines và Trung Quốc leo thang, Trung Quốc đã bỏ mặc chuối nhập từ nước này mục nát ở cảng. Và trong nhiều năm, Bắc Kinh đã trả đũa mạnh mẽ bằng cách cắt đứt hoặc đe dọa cắt đứt mối quan hệ làm ăn với bất kỳ nước nào công nhận Đài Loan là quốc gia trong những năm qua.

Trên đây là vài ví dụ mà hai nhà nghiên cứu Blackwill và Jennifer Harris chỉ ra trong cuốn sách mới của họ: "Chiến tranh bằng những công cụ khác". Cả hai đều cho rằng Mỹ nên sử dụng chiến thuật tương tự như Trung Quốc, và phải làm tốt hơn vì hiện tại, Mỹ đang yếu thế.

"Dù có nền kinh tế có mạnh nhất thế giới, Mỹ lại sử dụng vũ lực quá thường xuyên thay vì động đến kinh tế khi giải quyết các vấn đề quốc tế", hai chuyên gia  này viết.

Trung Quốc cũng không cần phải sử dụng các biện pháp trừng phạt để đạt được những gì họ muốn. Nước này còn cung cấp các khoản vay và viện trợ cho các quốc gia như Venezuela - vốn đang có mâu thuẫn với Mỹ. Bắc Kinh cũng sử dụng quỹ đầu tư quốc gia để đi đầu tư một cách có chiến lược tại những nơi mà họ muốn gây dựng mối quan hệ chính trị.

Trung Quốc thậm chí còn tham gia vào "ngoại giao sân vận động" khi bỏ tiền và xây dựng các sân vận động mới, chủ yếu ở các nước châu Phi giàu tài nguyên mà nước này muốn tiếp cận.

Mỹ đã từng rất xuất sắc trên lĩnh vực này. Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ - Thomas Jefferson đã nâng gần như gấp đôi diện tích quốc gia bằng việc mua Cấu địa Louisiana - vùng đất họ mua lại từ Pháp năm 1803. Ông đã không mang quân đội tới Paris, mà mang tiền đến. Bằng việc bỏ ta 15 triệu USD, kết quả đạt được rất mỹ mãn.

Tương tự, Tổng thống Mỹ thứ 16, ông Abraham Lincoln, đã đe dọa Anh quốc rằng nếu họ đứng về phía Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ, nước này sẽ mất hàng tỷ USD đổ vào tài sản Mỹ. Khi Anh xâm chiếm kênh đào Suez năm 1956, Dwight Eisenhower, Tổng thống Mỹ thứ 34, ông Dwight Eisenhowerđe dọa sẽ khiến bảng Anh lao dốc nếu Anh không rút quân.

"Địa kinh tế sẽ dễ dàng hơn và rẻ hơn là một cuộc xung đột quân sự", Blackwill và Harris nhận định. Đây là một trong những lý do Trung Quốc, Nga và những nước khác đang đi theo hướng này.

Tuy vậy, theo hai chuyên gia, 30 năm qua, Mỹ gần như đã ngừng sử dụng địa kinh tế và thích dùng quân sự hơn. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là các biện pháp trừng phạt một số nước như Iran.

Hai chuyên gia cho rằng hiện tại là thời điểm đặc biệt quan trọng để thay đổi khi các thị trường đã trở nên toàn cầu và các quốc gia đang xem xét lại mối quan hệ kinh tế nào quan trọng hơn với họ: với Mỹ hay với Trung Quốc?

Dĩ nhiên, giống như quân sự, không phải lúc nào "chiến tranh kinh tế" cũng có hiệu quả. Trung Quốc đang học được bài học này ở Nam Mỹ, khi kế hoạch xây đường sắt nối hai bờ biển đang gặp khó vì bất ổn đến từ kinh tế và hệ thống chính trị Brazil. Toàn bộ số tiền Trung Quốc rót vào Venezuela giờ đây cũng bị hoài nghi về tương lai vì cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tuy vậy, Trung Quốc ít nhất vẫn được tiếng là người cho vay khi không còn nguồn nào để vay nữa. Danh hiệu này đem lại cho họ rất nhiều quyền lực trên trường quốc tế.

"Các nước có thể không sợ sức mạnh của quân đội Trung Quốc mà họ sợ khả năng cho phép hoặc từ chối quyền thương mại, đầu tư của nước này", Leslie Gelb, Chủ tịch danh dự của của tổ chức phi lợi nhuận CFR viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Ngoại giao năm 2010.

Tin mới lên