M&A

Trung Quốc ra giá 44 tỷ USD mua nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới

(VNF) - Theo tin từ Bloomberg, Tập đoàn hóa chất quốc gia ChemChina của Trung Quốc đã đề nghị mức giá 44 tỷ USD để mua lại Tập đoàn nông nghiệp và hóa chất Syngenta của Thụy Sĩ. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc ra giá 44 tỷ USD mua nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới

Tập đoàn hóa chất quốc gia ChemChina của Trung Quốc đã đề nghị mức giá 44 tỷ USD để mua lại Tập đoàn nông nghiệp và hóa chất Syngenta của Thụy Sĩ.

Bloomberg trích dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Tập đoàn hóa chất quốc gia ChemChina của Trung Quốc đã nâng mức giá đề nghị lên 2 tỷ USD so với trước đó lên 44 tỷ USD để mua lại Tập đoàn nông nghiệp và hóa chất Syngenta. 

Syngenta là doanh nghiệp hàng đầu chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cũng như hạt giống cho nông nghiệp và được xem là hãng sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới của Thụy Sĩ. Hãng này hiện nay cũng có chi nhánh tại Việt Nam là Công ty TNHH Syngenta Việt Nam.

Theo đó, ChemChina sẽ trả 470 franc Thụy Sĩ (tương đương 472 USD) cho mỗi cổ phiếu của Syngenta để mua 70% tập đoàn này và 30% sẽ tiếp tục được mua sau đó, Bloomberg cho biết. Với mức giá này, công ty sẽ có giá trị thị trường khoảng 44 tỷ USD. ChemChina đã sửa đổi mức đề xuất trước đó là 449 franc một cổ phiếu mà Syngenta cho là quá thấp. 

Thương vụ mua lại này cho phép ChemChina hợp tác cùng Syngenta để tích hợp hai doanh nghiệp trước khi giành quyền kiểm soát hoàn toàn Tập đoàn của Thụy Sĩ, nguồn tin cho biết. Trong các cuộc thảo luận giữa hai bên, ChemChina đã đề xuất việc mua lại Syngenta sẽ diễn ra trong hai giai đoạn. Cổ phiếu của Syngenta đã tăng mạnh 8,1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu 18/12 tại mức 374,5 franc/cổ phiếu.

Syngenta trước đó cũng đã từ chối đề nghị mua lại lần thứ hai từ đối thủ Monsanto (Mỹ) với mức giá 46,6 tỷ USD do cho rằng có thể phải gánh chịu những phán quyết chống độc quyền vốn, gây tổn hại cho giá trị của cả hai công ty. Monsanto là Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên về hóa chất nông nghiệp, hạt giống cây trồng và công nghệ sinh học. Tập đoàn có công ty con tại Việt Nam là Dekalb Việt Nam.

Monsanto coi việc sáp nhập là cơ hội để chuyển trụ sở chính ra khỏi Mỹ và "tái định cư" ở một cơ sở tại Anh với mức thuế ít hơn. Tập đoàn Mỹ cũng cho biết sẽ bán bộ phận hạt giống của Syngenta và hợp lý hóa các dòng sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp nếu họ có thể mua lại đối thủ Thụy Sĩ.

Syngenta cho biết đã sẵn sàng để thảo luận về thương vụ với bất cứ công ty nào trong ngành công nghiệp, bao gồm cả Monsanto. Bloomberg cho hay Syngenta cũng sẽ có cuộc gặp chính thức với Monsanto để tiếp tục bàn về thương vụ này.

Hiện nay, Syngenta cũng đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt khi hai tập đoàn hóa chất khổng lồ là Dow Chemical và DuPont vừa công bố sáp nhập thành tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới.

Mục tiêu thâu tóm nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới của tập đoàn hóa chất nhà nước của Trung Quốc cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng hướng đến các công ty có quy mô lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nhiều người lo ngại rằng các thương vụ lớn của Trung Quốc với doanh nghiệp châu Âu càng chứng tỏ việc việc nước này đang dùng kinh tế để tăng cường ảnh hưởng trên thế giới.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua lại hãng ô tô Volvo của Thụy Điển, phần lớn cổ phần của hãng xe hơi Peugeot Citroen, thương hiệu thời trang Sonya Rykiel của Pháp, cảng Piraeus của Hy Lạp, chuỗi nhà hàng Pizza Express và hãng thời trang cao cấp Aquascutum ở Anh. Lượng đầu tư từ Trung Quốc vào EU đang tăng theo cấp số nhân.

Hồi tháng 3 năm nay, Tập đoàn Lốp và cao su Trung Quốc - đơn vị sản xuất lốp trực thuộc ChemChina đã ký một thỏa thuận để mua lại hãng sản xuất lốp xe danh tiếng Pirelli của Ý với bản hợp đồng trị giá 7,7 tỷ USD vào hồi tháng 3/2015. Thương vụ này cho phép ChemChina tiếp cận với công nghệ sản xuất lốp xe cao cấp, đồng thời giúp Pirelli có cơ hội chiếm thị phần lớn hơn tại thị trường Trung Quốc rộng lớn. 

Khi những doanh nghiệp hàng đầu châu Âu rơi vào tay công ty quốc doanh của Trung Quốc nhiều người cho rằng nó liên quan đến vấn đề chính trị khi Chính phủ Trung Quốc đang muốn tận dụng các doanh nghiệp châu Âu để bành trướng ảnh hưởng trên toàn cầu.

Tin mới lên