Tài chính quốc tế

Trung Quốc - 'thiên nga đen' đe dọa tài chính toàn cầu

(VNF) - Tình trạng thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và nền kinh tế đang đà xuống dốc của Trung Quốc làm tăng mối lo ngại về viễn cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.

Trung Quốc - 'thiên nga đen' đe dọa tài chính toàn cầu

Viễn cảnh nền kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh cứng" (thuật ngữ phản ánh tình trạng một nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái) có thể dẫn đến cái gọi là "thiên nga đen", một cú sốc bất ngờ đối với thị trường tài chính thế giới.   

Biểu đồ cập nhật mới nhất của nhóm nghiên cứu tại Societe Generale, một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất Châu Âu tại Pháp, đưa ra cho thấy các nhà nghiên cứu nhìn thấy 30% xác suất "hạ cánh cứng" của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đe dọa thị trường toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc nở rộ trong 30 năm giúp quốc gia này chiếm 11% GDP toàn cầu và khoảng 10% các giao dịch thương mại thế giới. Về nguồn hàng, Bắc Kinh còn chiếm một vai trò quan trọng hơn với khoảng 11% tổng lượng sử dụng dầu khí toàn thế giới và khoảng từ 40% đến 70% nhu cầu cho các mặt hàng thiết yếu khác. Trung Quốc có hệ thống tài chính khổng lồ cùng lượng cung tiền giờ đây còn lớn hơn cả Mỹ và chiếm tới 20% của cả thế giới.

Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi nền kinh tế của Trung Quốc tụt giảm sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ tới kinh tế toàn cầu.

Ngày 27/11, thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đón một tin xấu khi chứng khoán nước này có ngày giao dịch "u ám" nhất kể từ đợt khủng hoảng mùa hè vừa qua. Hàng loạt các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, rút khỏi thị trường. Thị trường Trung Quốc cùng lúc đón nhận những thông tin tiêu cực về nền kinh tế như sản lượng công nghiệp suy giảm 4,6% trong tháng 10. Tháng trước đó, mức giảm chỉ là 0,1%.

Những số liệu kinh tế mới nhất cho thấy có vẻ như việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn chưa thể vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Có lẽ thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang bị đe dọa bởi những cơn địa chấn đang hình thành.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguy cơ "hạ cánh cứng" của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tác động đến thị trường tài chính toàn cầu chủ yếu thông qua các kênh gián tiếp.

Tác động đầu tiên của bất cứ một cuộc đổ vỡ trên thị trường chứng khoán là giá trị tài sản của nhiều nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán Trung Quốc bốc hơi mạnh, chủ sở hữu các cổ phiếu thấy mình nghèo đi nhiều nên thắt chặt chi tiêu và sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tổng cầu của nước này. 

Mức độ tiêu dùng, mua sắm, đầu tư của Trung Quốc sẽ sụt giảm khi lượng tài sản của đa phần nhà đầu tư trở nên teo tóp. Với quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ tiết kiệm cao của dân chúng thì tác hại của việc chứng khoán sụt giảm ở nước này là không hề nhỏ nếu quy ra tiền.

Tác động tiêu cực từ việc cắt giảm chi tiêu sẽ khiến tăng trưởng GDP chậm lại và không chỉ dừng lại ở phạm vi lãnh thổ Trung Quốc mà sẽ lan rộng ra toàn cầu. Nhu cầu nhập khẩu sụt giảm của Trung Quốc sẽ châm ngòi cho sự lao dốc của các loại hàng hóa cơ bản như kim loại, quặng sắt, dầu mỏ, than đá,… Những nước trực tiếp xuất khẩu những mặt hàng này vào Trung Quốc sẽ là nạn nhân bị đẩy vào vòng suy thoái. 

Tóm lại, nếu Trung Quốc không thành công trong việc vực dậy nền kinh tế thì không chỉ tăng trưởng của Trung Quốc mà còn cả toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo Societe Generale, những rủi ro "thiên nga đen" khác có thể tấn công thị trường tài chính thế giới bao gồm cuộc suy thoái toàn cầu mới với xác suất 10%; việc Fed giữ lãi suất thấp quá lâu – xác suất 10%, người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm nhiều hơn (25%) và việc Anh sẽ rời khỏi Liên minh Châu Âu với khả năng cao hơn 45%. 

Mặt khác, Societe Generale dự đoán đầu tư và thương mại của Mỹ tăng trưởng mạnh hơn (20%), chỉ số giá cao hơn dự kiến ở Châu Âu và Nhật Bản (15%) và cải cách nhanh theo đúng lộ trình (10%) – tất cả được liệt kê như những con "thiên nga trắng" đem lại bức tranh tươi sáng cho thị trường tài chính toàn cầu.

Thuyết "thiên nga đen"

Khái niệm "black swans" (thiên nga đen) đã ăn sâu vào ý thức của giới đầu tư và thống trị thị trường tài chính gần một thập kỷ qua khi quyển sách "The Black Swan" của Nassim Taleb, chuyên gia hàng đầu về chống khủng hoảng kinh tế hiện nay, được xuất bản năm 2007. 

"Thiên nga đen" là thuật ngữ dùng để miêu tả hiện tượng không thể nào dự đoán được các tác động, diễn biến và hiệu ứng gây ra từ một chính sách. Theo ông, có hai loại kinh doanh: loại kinh doanh ít rủi ro, nghĩa là bất luận thế nào, doanh nghiệp hay lợi tức của họ không thể sụp đổ trong nháy mắt, đó là kinh doanh "thiên nga trắng" - bình thường hay thông thường. Và loại kinh doanh "thiên nga đen" là kinh doanh đầy rủi ro nhưng lợi nhuận rất cao, ví dụ, kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Đổi lại, bạn có thể mất tất cả trong một phiên giao dịch.

Cuốn sách của Taleb phát hành trước mấy tháng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bùng nổ. Và Taleb trở nên nổi tiếng, khủng hoảng càng lan rộng ở mức độ gây kinh ngạc chừng nào, ông càng nổi tiếng chừng đó.

Tin mới lên