Tài chính quốc tế

Trước vụ 'Hồ sơ Panama', người Việt từng dính nghi án trốn thuế quốc tế

(VNF) - Năm 2013, một vụ rò rỉ tài liệu khác có tên Offshore Leaks đã tiết lộ một số cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có dính líu đến các công ty bình phong nước ngoài.

Trước vụ 'Hồ sơ Panama', người Việt từng dính nghi án trốn thuế quốc tế

Ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty bình phong (offshore company) khổng lồ trên thế giới. 

Theo các kết quả điều tra bước đầu, Mossack Fonseca đã giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế. Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.

Bản đồ vụ Hồ sơ Panama. Nguồn: EZLaw

Phát hiện chấn động này có sự điều tra của nhiều nhà báo, mà trong đó Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) là tổ chức đóng vai trò trung tâm.

Trước đó, ICIJ đã phơi bày bí mật về nhiều vụ gian lận tài chính, rửa tiền, trốn thuế... qua các vụ rò rỉ tài liệu Offshore Leaks 2013, Lux Leaks 2014 và Swiss Leaks 2015.

Offshore Leaks 2013

"Offshore Leaks" là tên gọi của một vụ phát giác trong tháng 4/2013 về việc trốn thuế và những thiên đường thuế. Khoảng 130.000 người có dính líu tới những hoạt động bất hợp pháp. Những dữ kiện này được giữ trong một ổ đĩa cứng đã được gửi nặc danh tới  Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Mỹ.

"Offshore Leaks" là một dự án nghiên cứu mất cả tháng trời với sự tham gia của 86 ký giả từ 46 nước. Những thông tin này nằm trong 2,5 triệu văn kiện với số lượng là 260 Gigabyte về tổng cộng 10 thiên đường thuế, chủ yếu về quần đảo Virgin (Anh) (British Virgin Islands) - vùng lãnh thổ vẫn được xem là nơi ẩn náu tài chính lý tưởng bên ngoài đảo quốc Anh.

Tham dự vào những việc phân tích tài liệu có các nhân viên của đài BBC, các tờ báo The Guardian,Washington Post, Le Monde, SonntagsZeitung, đài NDR Fernsehen, NDR Info và tờ Süddeutsche Zeitung. 

Trong những thông tin mà đã được công bố có tên nhiều nhân vật, trong đó có những người nổi tiếng như: ông Jean-Jacques Augier, phụ trách tài chính trong cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Pháp François Hollande hồi năm 2012, người có đối tác là một doanh gia Trung Quốc; cựu Bộ trưởng Tài chính (từ năm 2008-2012), ông Bayartsogt Sangajav, người thành lập công ty "Legend Plus Capital Ltd" với một tài khoản Thụy Sỹ;  Tổng thống Azerbaijan và gia đình; ông Hassan Gozal, một trùm tư bản ngành xây dựng, kiểm soát các tài sản mang tên hai con gái Tổng thống Ilham Aliyev.

Trong danh sách cũng có Denise Rich, vợ cũ của thương gia dầu lửa nổi tiếng Marc Rich, người từng được Tổng thống Clinton tha bổng về tội trốn thuế. Ngoài ra hồ sơ cũng có tên vợ Phó Thủ tướng Nga, bà Olga Shuvalova, một thương gia và chính trị gia Nga. Chồng bà, ông Igor Shuvalov, bác bỏ cáo giác đã làm gì sai trái liên quan tới lợi ích của bà vợ ông ở hải ngoại.

Hầu như tất cả các nhà băng lớn như Deutsche Bank, JPMorgan Chase, UBS đều có mặt trong vụ rò rỉ tài liệu này. Ước tính tới hơn 20 ngàn tỷ USD thuộc về các đại gia lớn có thể đang được để tại các tài khoản hải ngoại.

Nhiều tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Offshore Leaks

Offshore Leaks cũng đã tiết lộ một số cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có dính líu đến các công ty bình phong, công ty "ma" ở nước ngoài.

Để tra cứu dữ liệu về các công ty bình phong đã bị lộ trong vụ Offshore Leaks, bạn có thể truy cập, tìm kiếm tại trang web https://offshoreleaks.icij.org/search. Bạn cũng có thể truy cập vào trang này để tra cứu về những công ty bình phong nói trên.

Đây là địa chỉ có lưu trữ một phần thông tin về Offshore Leaks liên hệ tới hoạt động tài chính của các "thiên đường thuế" như British Virgin Islands, Cook Islands và Singapore trong khoảng thời gian gần 30 năm.

Trang web công khai tài liệu mật này là ICIJ, cũng là trang web công bố thông tin về "Hồ sơ Panama". Hiện thông tin trong Hồ sơ Panama vẫn chưa được công khai tra cứu.

Giao diện trang web tra cứu tài liệu trong Offshore Leaks.

Tuy nhiên, tài liệu Offshore Leaks cũng cho thấy tên của một số tổ chức, cá nhân đặt tại Việt Nam có mở công ty bình phong ở nước ngoài. 

Trong mục All countries, bấm chọn Vietnam. Tích chọn tất cả các mục Officers & Master Clients, Offshore Entities, Listed Addresses rồi click vào nút Search, ngay lập tức danh sách các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama sẽ hiển thị như dưới đây.

Chọn quốc gia là Việt Nam.

Sau đó bấm nút Search.

 

Offshore Leaks sẽ hiện ra những cái tên, địa chỉ nằm tại Việt Nam.

Sau khi Offshore Leaks đã lọc ra những cái tên có liên quan tại Việt Nam, hãy click vào tên của các cá nhân, doanh nghiệp, hoặc địa chỉ được lưu để tìm kiếm thêm thông tin chi tiết.

Thử chọn một cái tên trong các mục để biết thêm thông tin chi tiết về những cá nhân, công ty Việt Nam có mặt trong Offshore Leaks.

Tin mới lên