Diễn đàn VNF

TS. Cấn Văn Lực: 'Có nhiều người sẵn sàng bán nhà để mua Bitcoin'

Bitcoin đang tạo ra cơn sốt trên thế giới bởi tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị trong một thời gian ngắn. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính, đã đưa ra một số nhận định xung quanh vấn đề này.

TS. Cấn Văn Lực: 'Có nhiều người sẵn sàng bán nhà để mua Bitcoin'

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV.

- Bitcoin đang trở thành một "hiện tượng" đáng chú ý, tạo thành điểm nóng kinh tế khi liên tục tăng giá mạnh trong chỉ một thời gian ngắn, không chỉ trên thế giới, mà còn hiện hữu ngay cả ở Việt Nam. Đứng từ góc độ chuyên gia Tài chính, xin ông lý giải lý do vì sao đồng "tiền ảo" này lại có sức mạnh ghê gớm tới như vậy?

TS. Cấn Văn Lực: Trước tiên hãy thống nhất với nhau một quan điểm rằng, không nên gọi Bitcoin là tiền ảo, mà thuật ngữ đúng của nó là tiền kỹ thuật số. Bởi từ tiền ảo dễ gây hiểu nhầm, liên tưởng tới sự mờ ảo, còn về bản chất, Bitcoin là tiền kỹ thuật số.

Ban đầu Bitcoin được tạo ra bởi một nhóm các chuyên gia về công nghệ thông tin. Họ bắt đầu viết thuật toán trên khối Blockchain hay còn gọi là chuỗi sổ cái, ghi lại các giao dịch, lưu thông tin một cách an toàn, tiện lợi.

Mới đầu, những giao dịch này chỉ nhằm thanh toán các khoản phí nội bộ nhóm chuyên gia. Sau đó, khi thấy được sự tiện ích, không cần qua ngân hàng Trung ương phát hành, không cần qua bên trung gian thứ 3, chi phí giao dịch gần như bằng 0 hoặc rất thấp, nhanh, trực tuyến, tiền về ngay tài khoản mà không cần phải tuân theo T+1, T+2 hay T+3 (T+1, 2, 3 là sau 1, 2, 3 ngày làm việc giao dịch mới hoàn thành) thì giao dịch bắt đầu vượt qua giới hạn khối các nhà chuyên gia và đi vào thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội chung. Cùng với đó, nhiều loại tiền kỹ thuật số khác bắt đầu ra đời.

Hiện, đâu đó có trên 850 loại tiền kỹ thuật số với giá trị vốn hoá trên thị trường khoảng 200 tỷ USD.

Để lý giải nguyên nhân tăng giá chóng mặt của Bitcoin trong thời gian ngắn như vừa qua, cần nhìn vào một vài đặc điểm chính sau đây của nó.

Cụ thể, Bitcoin có số lượng hạn chế nhất định. Tính tổng Bitcoin đến thời điểm hiện tại là khoảng 21 triệu, nhưng không phải tất cả đều lưu thông, mà con số lưu thông chỉ khoảng 18 triệu. Với tâm lý của người sử dụng cho rằng số lượng nó có hạn nên giá trị của Bitcoin tăng cao trong thời gian qua, khi cầu lớn hơn cung rất nhiều.

Thứ 2, nó là tiền kỹ thuật số nên giá trị thường đi kèm với tâm lý của nhà đầu tư. Vì thế, nhà đầu tư càng tin vào đồng tiền đó, càng tin nó tăng giá thì nó sẽ càng tăng giá, khi người ta mua nhiều hơn, tích góp, đầu cơ vào nó.

Đặc tính thứ 3 là với niềm tin đó, trong đà đang tăng giá, ở những thời điểm khó khăn về kinh tế, xã hội, người ta coi nó như một nơi trú ẩn, cứu cánh, nên có thể sẵn sàng bán nhà để mua Bitcoin.

Trên đây là những lý do làm cho Bitcoin từng tăng giảm giá tới 100% chỉ trong vòng 1 ngày. Vì thế, đầu tư Bitcoin như đánh bạc, vô cùng mạo hiểm.

- Thưa ông, rủi ro mà ông đang nói tới cho các nhà đầu tư Bitcoin ở đây cụ thể là gì?

TS. Cấn Văn Lực: Có 3 rủi ro chính mà các nhà đầu tư Bitcoin phải đối mặt:

Thứ nhất là không có bảo đảm về mặt pháp lý nào với Bitcoin cả. Vì thế, nếu có sự cố sập sàn Bitcoin thì sẽ không có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, không có ai đứng ra giải quyết các tranh chấp. Không có Ngân hàng trung ương hay Nhà nước đứng ra bảo vệ người chơi Bitcoin.

Thứ 2 là rủi ro về biến động giá. Cụ thể, thời gian vừa qua chúng ta thấy một ngày giá Bitcoin có thể tăng giảm tới 100%. Điều này mang tới rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Lợi nhuận một ngày có thể lên tới 100-200%. Nhưng ngược lại thua lỗ cũng tương tự. Ở Bitcoin thể hiện rất rõ quy luật tài chính, rủi ro cao, lợi nhuận cao.

Rủi ro thứ 3 là Bitcoin có thể là nơi xảy ra hiện tượng rửa tiền và nhà đầu tư có thể chính là những người tiếp tay cho hoạt động này.

- Về việc sập sàn Bitcoin, có ý kiến chuyên gia cho rằng tương lai của Bitcoin là không bền vững, nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và biến mất như chưa từng xuất hiện. Vậy, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Cấn Văn Lực: Cách đây khoảng 2 năm, một sàn Bitcoin cũng đã bị sập là sàn MT Cook và người ta tưởng rằng đồng Bitcoin đã tiêu tan, nhưng sau đó nó lại hồi phục. Mới đây, nhiều đồng Bitcoin mới còn được sản sinh, một đồng Bitcoin gốc được tách thành các đồng Bitcoin phái sinh như Bitcoin Go, Bitcoins Case.

Cho đến nay có khoảng 10-15 nước đang chấp nhận Bitcoin từng bước. Bản thân Mỹ, một nước kinh tế rất phát triển, cũng mới có 1 số quán cafe chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán, một số nhà đầu tư tài chính bắt đầu chơi Bitcoin. Gần đây nhất, một số sàn giao dịch phái sinh đã bắt đầu chấp nhận giao dịch hợp đồng tương lai của Bitcoin.

Tuy nhiên, bản thân trong Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng đang có rất nhiều ý kiến trái chiều, người đồng thuận thì cho rằng nó là xu hướng, còn người phản đối thì cho rằng nó là tiền ảo, là lừa đảo.

Còn ở một số nước đang phát triển thì có cách tiếp cận rất thận trọng như Trung Quốc, cấm không cho phép phát hành đồng Bitcoin như một đạng dấu giá, hay qua chào bán ra công chúng. Hay Hàn Quốc, Ấn Độ... thái độ tiếp cận Bitcoin cũng như vậy.

Hiện nay, một số ngân hàng trên thế giới đồng thuận, tham gia Blockchain, để tạo nơi lưu trữ thông tin an toàn. Và điều này là đáng khuyến khích, nhưng không thể giao dịch Bitcoin qua lại giữa các ngân hàng, vì đó như cách hợp thức hoá Bitcoin. Các ngân hàng Mỹ cũng chưa chấp nhận thanh toán lẫn nhau qua Bitcoin, mà chỉ tạo những diễn đàn nhằm nghiên cứu về Bitcoin, Blockchain.

Nếu việc nghiên cứu này đưa tới hiệu quả tốt, có thể sắp tới các Chính phủ thu thuế được thông qua Blockchain, giao dịch chứng khán, giao dịch ngân hàng qua Blockchain một cách tiện lợi, chi phí thấp, an toàn và bảo mật cao. Với Blockchain, mỗi ngân hàng sẽ không cần một hệ thống lưu riêng mà tất cả các hồ sơ các ngân hàng sẽ được lưu chung trên không gian, ai muốn vào tìm hiểu thông tin thì có thể lên đó lấy với một mật mã riêng.

- Vậy theo ông, xu hướng phát triển của Bitcoin trong thời gian tới sẽ như thế nào?

TS. Cấn Văn Lực: Xu hướng của Bitcoin trong thời gian tới có thể còn biến thiên mạnh về mặt giá trị. Nó có thể lên cao hơn nữa với 3 nguyên nhân tôi vừa nêu. Khi tâm lý con người còn là tham lam và không có người viết thêm thuật toán để tạo ra Bitcoin thì nó còn tăng giá.

Thế giới càng biến động người ta lại càng coi nó như vị cứu tinh, giúp vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính, tiền tệ. Nếu may thì họ đúng, còn không may thì đó là suy nghĩ đầy rủi ro, như đánh bạc hay chơi sổ xố.

- Theo ông, Việt Nam nên có cách tiếp cận như thế nào với Bitcoin trong thời gian tới?

TS. Cấn Văn Lực: Chính phủ Việt Nam cần đưa ra 1 phương án phù hợp để tiếp cận với Bitcoin và cũng cần đẩy nhanh tiến độ hơn trong nghiên cứu để đưa ra chính sách cụ thể với thực tiễn biến động mạnh của đồng tiền này thời gian qua.

Theo đó, đề án nghiên cứu phải rất sát với thực tế, hiểu được về sự hình thành, phát triển của Bitcoin để đưa ra một kết quả đúng. Cách tiếp cận về cơ bản là cần hết sức thận trọng, có sự quan sát.

Thận trọng ở đây thể hiện qua việc không thể tuyên bố chấp nhận Bitcoin được phép sử dụng rộng rãi ở thời điểm hiện tại, do mức độ hiểu biết của người dân, doanh nghiệp nước ta về tài chính, tiền tệ, tiền kỹ thuật số còn rất hạn chế, trong khi tâm lý của người dân lại rất phong trào. Chính vì tâm lý này mà lúc Bitcoin tăng giá sẽ rất vui nhưng lúc xuống thì có thể gây ra tâm lý hoảng loạn, đáng lo ngại, có thể gây hệ lụy lớn trong xã hội mà mục tiêu của Việt Nam là ổn định kinh tế toàn xã hội.

Tin mới lên