Ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực: Lãi suất năm 2018 khó giảm

Hiện bình quân lãi suất của Việt Nam ở mức 5%-12%/năm, mức trung bình so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp tại khu vực, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết.

TS. Cấn Văn Lực: Lãi suất năm 2018 khó giảm

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Không nên dựa quá nhiều vào tín dụng

Năm 2018, đa số các nước lớn đã thắt chặt tài khoá và tiền tệ. Điều này có tác động đến lãi suất, đầu tư và tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát biểu tại hội thảo "Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018" tổ chức ngày 05/01/2018.

Một mối lo khác là Trung Quốc với câu chuyện giảm đầu tư, siết tín dụng là chính sách chủ đạo trong năm tới ở quốc gia này. Dự đoán, kinh tế Trung Quốc năm tới sẽ tăng 6,3%. Tác động từ kinh tế Trung Quốc tới kinh tế toàn cầu sẽ là làm giảm tốc độ tăng trưởng. Dự đoán nợ xấu của Trung Quốc từ 8% đến 10%.

"Với câu chuyện tín dụng của Việt Nam, quan điểm của tôi là chúng ta không nên dựa quá nhiều vào tín dụng. Tất nhiên tín dụng vẫn là kênh đầu tư quan trọng", ông Lực dự báo.

Tuy nhiên có mấy lý do: Thứ nhất, chúng tôi thấy rằng trong vốn đầu tư thì đầu tư bằng tín dụng chiếm 60%, còn 40% từ các dòng vốn khác. Vậy nếu 60% đầu tư từ tín dụng tăng trưởng tích cực, nhưng 40% đầu tư từ dòng khác không tích cực thì cũng không thể phát triển kinh tế.

Theo nghiên cứu của chúng tôi với số liệu của 10 nước, nếu đẩy tín dụng tăng thêm 10% thì tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 0,5%. Như vậy, không phải cứ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Lực cho biết thêm.

Năm 2017, tín dụng tăng 19% nhưng năm 2018 nên đưa ra con số thận trọng hơn là 17% vì các lý do cơ bản.

Thứ nhất, tín dụng không nhiều. Tín dụng tăng trưởng khá nhanh và mạnh ở mức 12,5% năm 2013, 14,16% năm 2014, 17,29% năm 2015, 18,71% năm 2016 và 19% năm 2017, như vậy là tăng đều trong các năm vừa qua.

Hiện nay liên quan đến cân đối nguồn vốn, tôi nhận thấy huy động vốn tín dụng chiếm 17,5%, tất nhiên thanh khoản ngân hàng tốt, với hơn 18% là mức chấp nhận được.

Tuy nhiên ta cần có sự tách bạch trong thống kê về tín dụng. Ví dụ, trong bất động sản, nếu cho vay để mua nhà thì đó phải là tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản, không thể tính vào tín dụng tiêu dùng, trừ khi vay để sửa nhà.

Lãi suất sẽ ổn định nhưng khó giảm tiếp

"Doanh nghiệp thì luôn mong lãi suất giảm nhưng phải đặt câu hỏi lãi suất có phải điểm nghẽn với doanh nghiệp hay không? Tôi cho là không", ông Lực nhận định.

Trả lời điều này, vẫn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, "Ta phải so sánh lãi suất của Việt Nam và các nước khác và phải so sánh lãi cho vay thực chứ không phải cho vay danh nghĩa".

Hiện bình quân lãi suất của Việt Nam ở mức 5%-12%/năm. Đây là mức trung bình so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp tại khu vực và có mức tăng trưởng tầm tầm như Việt Nam (Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ...).

Theo ông Cấn Văn Lực, khả năng giảm lãi suất là khó vì 04 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, lãi suất đầu vào khó giảm.

Thứ hai, vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.

Thứ ba, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8%-3%.

Thứ tư, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao.

"Như vậy lãi suất ổn định lại thì được nhưng giảm tiếp thì rất khó", ông Lực nhận định.

Tin mới lên