Diễn đàn VNF

TS. Lê Đăng Doanh: Việc chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI sẽ ngày càng phức tạp

Trong thời gian tới, việc Việt Nam không thu được thuế của các doanh nghiệp FDI do chuyển giá sẽ nghiêm trong hơn rất nhiều, nếu chúng ta không có giải pháp quản lý kịp thời, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

TS. Lê Đăng Doanh: Việc chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI sẽ ngày càng phức tạp

TS. Lê Đăng Doanh.

Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước, khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang bộc lộ một số vấn đề rất đáng quan ngại như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư tại Việt Nam…

Tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 31/10 vừa qua, Đại biểu Phạm Trọng Nhân đã thông tin, có đến 50% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam kê khai lỗ, nhưng càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất.

Về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm:

"Thực tế cho thấy, vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam đã được khẳng định. 

Các dự án FDI góp phần tăng thu ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán, là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ, phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao mức sống cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề đáng quan ngại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế như câu chuyện về chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật.

Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Điều đáng nói là mặc dù thua lỗ triền miên, song các doanh nghiệp FDI này vẫn liên tiếp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Một số ví dụ điển hình về việc các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, phải nói đến Công ty Coca-Cola Việt Nam và PepsiCo Việt Nam. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp này liên tục báo lỗ, hoặc có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp".

- Theo ông, điều này đang ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của Việt Nam?

Các doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam hiện nay đều có hiện tượng chuyển giá. Họ đưa các sản phẩm của họ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam với giá rất cao, trong khi đó, khi xuất khẩu sản phẩm từ Việt Nam sang các chi nhánh của họ tại nước ngoài thì họ lại tính với mức giá rất thấp.

Chính vì vậy nên họ luôn luôn báo lỗ, và mặc dù lỗ nhưng họ vẫn cứ mở rộng sản xuất, mở rộng quy mô. Do lỗ liên tục như vậy nên các doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc này đã dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Đáng quan ngại hơn là trong thời gian tới, các doanh nghiệp này sẽ được áp dụng chính sách thanh toán qua mạng, thanh toán qua ngân hàng, số hoá... Do đó, việc Việt Nam không thu được thuế của họ sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu chúng ta không có giải pháp quản lý kịp thời.

Nhìn nhận một cách công bằng, điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp FDI không đóng góp gì cho Việt Nam. Chúng ta không nên vì thế mà đồng loạt lên án các doanh nghiệp FDI không làm tròn nghĩa vụ với đất nước.

Tuy nhiên, nếu thu được thêm thuế thì đóng góp của các doanh nghiệp này đối với Việt Nam sẽ còn tăng lên rất nhiều. Hiện nay, đóng góp của họ mới chỉ chủ yếu ở lĩnh vực xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động.

- Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Việt Nam cần có những giải pháp gì?

Việc chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI là câu chuyện chung của nhiều nước trên thế giới, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác đều có sự nghi ngờ. 

Vấn đề ở đây là Việt Nam cần phối hợp với các nước khác, so sánh bảng giá trên thị trường với giá mà các doanh nghiệp này kê khai. Có như vậy mới làm rõ được việc chuyển giá của họ và mới có cơ sở để thu được thuế. 

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả, tăng cường việc thu hút các nhà đầu tư có uy tín, nhằm xây dựng một môi trường đầu tư tại Việt Nam theo hướng tích cực, lành mạnh.

Tin mới lên