Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Đức Thành: Ngân sách cần chi 300 tỷ để giải quyết vụ BOT Cai Lậy

(VNF) – TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), vừa đề xuất 3 giải pháp để giải quyết tình trạng đang xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

TS Nguyễn Đức Thành: Ngân sách cần chi 300 tỷ để giải quyết vụ BOT Cai Lậy

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR

Trên trang cá nhân, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, Nhà nước cần chi 300 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư về việc nâng cấp đoạn đường cũ đi qua thị xã Cai Lậy.

"Phương án thế nào là do thoả thuận giữa hai bên. Đồng thời, yêu cầu kiểm toán, thanh tra lại dự án để đảm bảo giá thành và chất lượng. Mục đích của việc này là biến đoạn đường qua thị xã thực sự trở thành một hàng hoá công", TS Thành cho biết.

Giải pháp thứ hai là dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đầu đoạn đường tránh mới xây, nằm sau ngã ba. Theo TS Thành, đây là việc cần thiết vì đoạn đường này được coi là hàng hoá tư hoặc công tư hợp doanh (PPP). Mức phí về cơ bản do chủ đầu tư quyết định nhưng có một khả năng nhỏ chính quyền vẫn được phép can thiệp nếu thấy có yếu tố độc quyền (với một số loại xe).

Sơ đồ dự án trạm thu phí BOT Cai Lậy - Tiền Giang

Viện trưởng VEPR cũng cho rằng về nguyên tắc, chính quyền có quyền đặt thêm một trạm thu phí ở đầu đường vào thị xã Cai Lậy. Trạm này độc lập với trạm bên đường tránh và tiền thu về thuộc ngân sách nhà nước.

"Trạm này có hai mục đích, một là thu hồi một phần vốn sửa chữa và chi phí duy tu con đường (tuy nhiên điều này phải được sự đồng ý của Hà Nội vì đây là tài sản quốc gia) và hai là mang tính chính sách, nhằm điều tiết lượng xe đi qua thị xã Cai Lậy theo ý chí của chính quyền, đặc biệt nhằm hạn chế các xe hạng nặng đi qua khu dân cư, bảo vệ đời sống người dân thị xã", TS Thành phân tích.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể có báo cáo tổng hợp về BOT trình Thường trực Chính phủ, "đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy, Tiền Giang" để có đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ "không để kéo dài tình trạng này".

Xem thêm >>> Thủ tướng chỉ đạo không kéo dài tình trạng tại trạm BOT Cai Lậy

Trong ngày 30/11, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ với tổng giá trị 25.100 đồng để mua vé qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (có mức phí 25.000 đồng) và đòi trả lại 100 đồng thừa. Vì không tìm đâu ra 100 đồng để hoàn trả cho tài xế, BOT Cai Lậy đã phải xả trạm 3 lần trong ngày.

Tuy nhiên, từ 23h30 ngày 1/12, trạm BOT Cai Lậy đã thu phí trở lại. Các tài xế tiếp tục phản ứng nhưng nhân viên thu phí đã có tiền 100 đồng để hoàn trả.

Cảnh hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, cho biết Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang đã làm văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Trung ương xin điều tiết thêm lượng tiền 100 đồng về để đáp ứng nhu cầu tại địa phương.

Ngay trong chiều 1/12, đã có lệnh điều tiền 100 đồng từ kho tại TP. HCM về Tiền Giang tuy nhiên do rơi vào thời điểm cuối tuần nên bà Đậm cho biết vào tuần tới, tiền mệnh giá 100 đồng sẽ về đến Tiền Giang và nơi này sẽ cung ứng ngay cho trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Tin mới lên