Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Sỹ Dũng: 'Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước chưa phải nhất thể hóa'

(VNF) – Trong cuộc trò chuyện với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã chỉ ra những điểm bất cập của mô hình tổ chức nhà nước hiện nay.

TS Nguyễn Sỹ Dũng: 'Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước chưa phải nhất thể hóa'

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tại một buổi sinh hoạt chuyên đề mới đây, TS Nguyễn Sĩ Dũng đã kể lại cuộc trò chuyện giữa ông và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về những bất cập của mô hình tổ chức nhà nước Việt Nam.

Ông kể, cách đây khá lâu, có lẽ trước khi ông Kiệt mất khoảng 1,5 năm, ông được ông Kiệt mời ăn cơm. Lần đó, nguyên Thủ tướng hỏi: "Theo Dũng, vấn đề lớn nhất của nước mình là gì". Ông Dũng nói: "Vấn đề lớn nhất là vấn đề hai nhà nước trong một nhà nước". Ông Kiệt thốt lên: "Có lẽ đúng rồi”.

Ông Dũng cho biết thông thường ở các nước, quy trình chính trị để cầm quyền là công việc của đảng, còn quy trình chính sách pháp luật là quy định của nhà nước. Hai quy trình đó không lẫn vào nhau. Còn nếu bị lẫn vào nhau, ít nhất sẽ có 4 hệ lụy.

Một là quy trình chính sách hết sức phức tạp và rắc rối. “Ở ta, một chính sách, nếu là chính sách lớn, phải vào được văn kiện của Đại hội Đảng. Ví dụ nhà nước kiến tạo phát triển là một thứ rất cần cho nước mình, Thủ tướng cũng thúc đẩy, nhưng nó chỉ nằm ở các câu khẩu hiệu hoặc một vài cố gắng là chính. Thậm chí bây giờ khái niệm của nó như nào vẫn chưa được làm rõ. Một trong những nguyên nhân là nó không nằm trong văn kiện của Đại hội Đảng".

“Như vậy một chính sách lớn muốn triển khai được thì nó phải vào văn kiện Đại hội Đảng. Sau đó, nó được đưa vào các hội nghị trung ương. Nếu nó không nằm trong hội nghị trung ương, chính sách lớn lớn không thể có được. Nếu một chính sách cấp bách, nhưng trong kế hoạch lại nằm ở kì họp trung ương gần cuối chẳng hạn, thì nó cũng không triển khai sớm được".

Hệ lụy thứ hai, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, là rất khó xác lập chế độ trách nhiệm. 

“Tôi nói với ông Kiệt, sai một chính sách thì ai chịu trách nhiệm? Có thể nói là cả hệ thống dính vào nhưng chẳng ai dính sâu cả. Như vậy, xác lập chế độ trách nhiệm là rất khó khăn, rất khó.

“Chúng ta có thể thấy thị trường không có lợi nhuận sẽ đứng im. Nếu có bảo đảm lợi nhuận, thị trường lên trên trời ngay. Nhưng trong quản trị công, nếu anh đẩy lợi ích, việc quản trị sẽ bị làm méo mó. Anh chỉ có thể đẩy trách nhiệm thôi. Nhưng mà chế độ trách nhiệm không vận hành, nền quản trị công sẽ rất khó khăn".

Một hệ lụy khác được ông Dũng đưa ra là sự trùng lặp, chồng chéo. “Nếu ta làm chính sách ở cả bên Đảng, Chính phủ và Quốc hội thì cái cần thiết là phải có chuyên gia rất giỏi. Ví dụ với thị trường chứng khoán, chính trị chỉ quyết có hay không có thị trường, còn việc vận hành thi trường thế nào, kiểm soát ra sao, đảm bảo không bị thao túng như thế nào thì đó là vấn đề kĩ trị, vấn đề của chuyên môn, của chuyên gia.

“Nếu chúng ta muốn bên Đảng quyết, không thể thiếu đội ngũ chuyên gia đó. Nếu chúng ta muốn bên Chính phủ thi hành tốt, càng không thể thiếu chuyên gia. Nếu muốn bên Quốc hội thẩm định tốt, cũng không thể thiếu đội ngũ chuyên gia đó được.

“Thế thì ở một nơi chúng ta đã không đủ chuyên gia, làm sao lại còn chia ba ra nữa. Giả dụ chúng ta có đủ chuyên gia để chia ba chăng nữa thì nó sẽ cũng sẽ trùng lặp, chồng chéo”, ông Dũng nhận định.

Hệ lụy thứ tư được ông Dũng chỉ ra là có những băn khoăn về tính chính danh. “Băn khoăn này bắt đầu từ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Nguyên tắc này trong hội nghị trung ương hoàn toàn được bảo đảm. Nhưng nếu trung ương quyết rồi mà Quốc hội phải theo (vì Quốc hội đa số là đảng viên và một trong những nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ là cấp dưới phục tùng cấp trên) thì trường hợp này để lại băn khoăn. Lý do là tất cả đảng viên trong Quốc hội, không chắc đều là cấp dưới.

“Nếu anh đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ thì đảng viên trong Quốc hội phải được thảo luận và sau đó đa số ở Quốc hội thế nào thì phải tuân theo... Đấy là chưa nói chuyện những đảng viên mà Đảng bầu lên đấy (tất nhiên làm lãnh đạo), nhưng mà đảng viên trong Quốc hội vừa làm lãnh đạo, vừa nhận được ủy quyền của dân thì không khéo dễ xảy ra trường hợp người vừa lãnh đạo, vừa được sự ủy quyền lại phải nghe những người không được ủy quyền".

“Đấy là vấn đề và nó dễ đẻ ra tâm tư lắm”, ông Dũng nhìn nhận.

Theo đánh giá nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nếu nhất thể hóa, quyền lực của Đảng sẽ cao hơn nhiều, vì Đảng và Nhà nước sẽ là một. Như vậy quyền sẽ tập trung ở một nơi.

Bình luận về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, TS Dũng cho rằng đó chưa gọi là nhất thể hóa. 

"Dù chưa nói là nhất thể hóa nhưng ta đã tiến một bước rất dài để kết nối được những điều Hiến pháp quy định và thực tế. Nó cũng nằm trong xu hướng chung chứ không phải một trường hợp cụ thể", ông nói.

Tin mới lên