Tiêu điểm

Từ chuyện dạy tiếng Nga, Trung: láng giềng đang học ngoại ngữ gì?

(VNF) - Tại hầu hết các quốc gia trong khu vực, tiếng Anh vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu nhằm tạo ra nhiều cạnh tranh hơn trên đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ chuyện dạy tiếng Nga, Trung: láng giềng đang học ngoại ngữ gì?

Trong lộ trình của đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, Bộ Bộ Giáo dục và Đào đạo kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Song song với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào đạo sẽ thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất.

Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017. Ngoại ngữ thứ hai bao gồm: tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức. Kinh phí cho đề án này gần 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, đề án đang có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo các chuyên gia, nhìn tổng thể, chưa có thứ tiếng nào khác quan trọng hơn và có nhu cầu cao hơn tiếng Anh, đặc biệt là nhu cầu là công cụ giúp chúng ta hội nhập dễ dàng hơn.

Ở Âu châu, tiếng Anh đã chinh phục tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha,… Tại châu Phi, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quan trọng bậc nhất tại các nước như Nam Phi, Liberia, Zimbabwe. Sang đến châu Á, tiếng Anh được coi như ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng bản địa tại một số quốc gia như Philippines, Singapore, Malaysia, Hồng Kông,... Ấn Độ là nước đông dân thứ nhì thế giới sau Trung Quốc nhưng vẫn giữ tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Hindu và hàng chục ngôn ngữ bản địa khác.

Ngay trong ASEAN, ngôn ngữ chung cũng chính là tiếng Anh. Từ cuối năm 2015, thị trường lao động mở ra tám ngành nghề có thể chuyển dịch tự do trong ASEAN thì yếu tố tiên quyết để tham gia thị trường này là lao động phải biết tiếng Anh.

Tạp chí Asiaweek cho rằng tiếng Anh ngày nay đã trở thành "một cầu nối giữa các cá nhân, công ty và quốc gia tại châu Á trong thiên niên kỷ mới". Từ vị trí một kỹ năng hữu dụng, tiếng Anh ngày nay đã trở thành "điều kiện tiên quyết" để người châu Á đạt được hai mục tiêu chính trong cuộc sống hàng ngày. Thứ nhất là việc làm tốt nhất và kế đến là thu nhập cao nhất.

Các nước đều chỉ chú trọng tiếng Anh

Tháng 8/2016, Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố kết quả kiểm tra 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh của học sinh lớp 12. Kết quả, 73% học sinh chỉ đạt được mức tương đương trung học cơ sở, 87% không đạt chuẩn tốt nghiệp cấp ba trong kỹ năng viết và nói.

Thực tế đáng buồn này đã buộc Chính phủ Nhật Bản quyết định phải cải tổ lại một cách căn bản cách thức dạy, học tiếng Anh. Trước mắt, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc điều chỉnh độ tuổi phải theo học chương trình tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 cấp tiểu học, thay vì lớp 4 như hiện nay. Việc chuyển đổi dự tính sẽ tiến hành vào năm 2020.

Việc cải cách dạy, học tiếng Anh nằm trong chiến lược quốc tế hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của giáo dục Nhật Bản trên trường quốc tế. Bên cạnh việc điều chỉnh cấp học bắt buộc học tiếng Anh, Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc nâng số lượng trường đủ chuẩn cung cấp chứng chỉ tú tài quốc tế International Baccalaureate (IB) tại Nhật Bản.

Một số công ty tại Nhật Bản chọn hướng kinh doanh theo quan điểm xóa bỏ rào cản ngôn ngữ quốc gia là cách để trở thành một công ty quốc tế. Vì vậy, các hãng thương mại điện tử Rakuten hay Fast Retailing của Nhật Bản đã tiến tới việc hoàn toàn sử dụng tiếng Anh.

Năm 2010, CEO Rakuten - ông Hiroshi Mikitani đưa ra tuyên bố rằng trước 2012, tất cả các nhân viên buộc phải thành thạo khả năng sử dụng tiếng Anh hoặc chấp nhận bị sa thải. Từ đây, một công ty có trụ sở tại Nhật Bản với những nhân viên bản địa bắt đầu sử dụng tiếng Anh trong các cuộc họp nội bộ hay chương trình đào tạo. Ngoại ngữ này cũng phủ sóng đến các biển báo trong tòa nhà, thực đơn món ăn hay email trao đổi công việc.

Là công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản, Rakuten mong muốn mở rộng quy mô bằng việc tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên, họ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ để có thể phát triển các dự án kinh doanh nước ngoài và hơn nữa, tuyển dụng nhân tài đến từ các quốc gia khác. Tiếng Anh là một lựa chọn hiển nhiên khi là ngôn ngữ quốc tế, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Quyết định tiếng Anh hóa "English-ization" này gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Các phương tiện truyền thông, tài khoản mạng xã hội lẫn nhiều học giả đều chỉ trích nặng nề ý tưởng này, hoài nghi về việc tiếng Nhật liệu có thực sự là rào cản trong mục tiêu toàn cầu của các công ty. Thậm chí, Tổng giám đốc điều hành của Honda còn gọi đây là chính sách  "ngốc nghếch". Những người theo chủ nghĩa dân tộc còn cho rằng hành động này khiến tiếng Nhật có thể bị xóa sổ, làm tổn thương đến văn hóa quốc gia.

Tuy nhiên, CEO Hiroshi Mikitani - người nuôi tham vọng xây dựng Rakuten cạnh tranh lại Amazon, Alibaba chia sẻ về kế hoạch tiếng Anh hóa: "Chúng ta sẽ phải làm điều đó dù thích hay không". Bởi trên thực tế, nhiều công ty đa quốc gia khác của Nhật cũng đã sử dụng tiếng Anh rộng rãi, chẳng hạn như Sony, Nissan.

Công ty Fast Retailing chuyên bán lẻ cho Uniqlo với chuỗi cửa hàng tại nhiều thành phố như New York, London, Paris, Bắc Kinh cũng lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp bằng tiếng Anh nếu có người nước ngoài. 

Tại Hàn Quốc, kể từ năm 1974, tất cả trường trung học và THPT của Hàn Quốc đều được yêu cầu đưa tiếng Anh làm môn học bắt buộc. Kể từ năm 1997 đến nay, ở đất nước này tiếng Anh đã được giảng dạy từ năm lớp 3. Các trường mẫu giáo cũng đưa tiếng Anh vỡ lòng vào chương trình đào tạo.

Hàn Quốc cũng có chính sách bắt buộc học sinh học thêm ngoại ngữ thứ hai kể từ năm 1968, lựa chọn giữa ba ngôn ngữ Pháp, Đức và Trung Quốc. Tuy nhiên, nghiên cứu của ĐH Quốc gia Seoul cho thấy đa phần nam sinh chọn tiếng Đức còn nữ sinh thì chọn tiếng Pháp. Tiếng Trung Quốc lại không được mấy ưa chuộng.

Tại Trung Quốc, Tiếng Anh cũng đã được bắt buộc giảng dạy tại tiểu học từ năm 2001.

Sau khi Singapore tuyên bố hoàn toàn độc lập vào năm 1965, đích thân ông Lý Quang Diệu đã quyết định lựa chọn tiếng Anh chứ không phải ngôn ngữ của ba cộng đồng lớn tại Singapore (Hoa, Ấn và Malay) làm ngôn ngữ được giáo dục đại trà tại Singapore. Từ năm 1987, tất cả trường giáo dục phổ thông tại Singapore đều được chuyển thành trường sử dụng tiếng Anh để giảng dạy. Còn trong môi trường đại học, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ giảng dạy từ năm 1979.

Theo nội dung cải cách, chương trình giảng dạy mới của Bắc Triều Tiên tập trung vào môn khoa học và công nghệ, cũng như tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai bắt buộc phải học đối với học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 trong hệ thống giáo dục của Triều Tiên. 

Tại Thái Lan, hồi cuối tháng 8, Thứ trưởng Giáo dục nước này đã tiết lộ kế hoạch của Chính phủ nhằm mang đến thay đổi mạnh mẽ trong chương trình giảng dạy tiếng Anh ở trường học. Học sinh sẽ có nhiều tiết học tiếng Anh, sách giáo khoa mới. Giáo viên hàng đầu sẽ được tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu để có thể hướng dẫn giáo viên khác. Theo kế hoạch, 18 trung tâm đào tạo của Thái Lan có thể đào tạo 13.500 giáo viên.

Các quan chức Thái Lan lo rằng Philippines, Malaysia, Singapore và Myanmar, những nước có nền giáo dục tiếng Anh tốt hơn, sẽ tạo ra nhiều cạnh tranh hơn trên đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Nam đi ngược lại?

Anh ngữ vẫn là thứ tiếng được dùng nhiều nhất trên thế giới. Ngoài nước Anh, có 60 trên tổng số 196 quốc gia xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Người ta thống kê có khoảng 1,5 tỷ người đang nói tiếng Anh trên toàn cầu, và khoảng 1 tỷ người khác đang trong quá trình học nó. 

Anh ngữ cũng được sử dụng trong ngoại giao toàn cầu, là thứ tiếng chính thức của Liên minh châu Âu, của Liên hợp Quốc, khối NATO, Hiệp hội thương mại tự do châu Âu và nhiều tổ chức, liên minh quốc tế khác. Hầu hết sự kiện quốc tế đều dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.

Các mạng truyền hình quốc tế, như CNN International và NBC, họ phát các tin tức cập nhật và chuyên nghiệp hơn các mạng truyền hình quốc gia. Chỉ có những tờ báo và tạp chí bằng tiếng Anh mới có thể mua tại bất cứ đâu trên thế giới.

55% website trên thế giới viết bằng tiếng Anh, nhiều hơn tất cả các thứ tiếng khác cộng lại, bỏ xa thứ ngôn ngữ được dùng nhiều thứ hai là tiếng Nga với 6% website.

Chia sẻ kinh nghiệm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel tại Hội thảo quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo diễn ra gần đây, bà Esther Barak Landes, Giám đốc điều hành Nielsen Innovate cho biết dù dân số chưa đến 8,5 triệu song nước này đang có tới 6500 công ty công nghệ đang hoạt động.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Israel cải tiến chương trình giáo dục cấp III, tập trung vào tiếng Anh và toán là hai môn chủ lực. Bà cho rằng Việt Nam nên tập trung dạy tiếng Anh nếu muốn thúc đẩy khởi nghiệp.

Với đề án thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3, có vẻ Việt Nam trong khi đang tụt lùi với phần còn lại thế giới, lại đang đi ngược với tất cả. 

Theo ý kiến của một phụ huynh có con đang học cả trường công và bán công quốc tế tại Hà Nội: "Việt Nam sẵn sàng copy thế giới từ cái ốc vít, đến bộ quần áo, đến cái nhà, từ kiến trúc nội thất, tiêu dùng, đến khoa học kỹ thuật... nhưng lại thích tự nghĩ ra cách dạy".

Tin mới lên