Ngân hàng

Từ chuyện Sacombank đến 'cơn sóng' phân hóa ngân hàng

(VNF) – Chuyện Sacombank bỗng dưng bị liệt vào nhóm 5 tổ chức tín dụng yếu kém, dù có phần gây hiểu nhầm, nhưng lại gợi mở ra một góc nhìn rộng hơn về tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Gánh nặng nợ xấu, cộng với sự khác biệt ngày càng rõ nét trong mô hình tăng trưởng, đang đưa ngành ngân hàng cuốn vào "cơn sóng" phân hóa chưa từng có.

Từ chuyện Sacombank đến 'cơn sóng' phân hóa ngân hàng

Sacombank vẫn chật vật trong thời kỳ hậu sáp nhập Ngân hàng Phương Nam

Những gợi mở từ trường hợp Sacombank

Vừa mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ chỗ là một trong những trụ cột ngành ngân hàng, bỗng dưng được liệt vào danh sách 5 tổ chức tín dụng yếu kém, theo thông tin từ Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Hưng tiết lộ tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Ngay sau đó, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã đăng đàn khẳng định rằng, Sacombank không phải ngân hàng yếu kém và hiện vẫn duy trì vị trí Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, đứng đầu trong nhóm các Ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời, ông Dũng cũng cho rằng, việc NHNN đề cập đến Sacombank trong nhóm 5 tổ chức tín dụng yếu kém thực chất là đề cập đến 3 nhóm nhỏ gồm nhóm "ngân hàng 0 đồng" (CBBank, GPBank, OceanBank), nhóm DongA Bank và nhóm Sacombank. Sacombank thuộc trường hợp xử lý nợ xấu thời kỳ hậu sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém là Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Lại một lần nữa, "ung nhọt" Southern Bank "gây họa" cho Sacombank về mặt uy tín và danh tiếng, trong khi vẫn đang tiếp tục bào mòn hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận của Sacombank hàng năm thông qua công tác trích lập dự phòng và trả lãi cho người gửi tiền tại Southern Bank trước kia, dù lượng lớn tài sản của Southern Bank vẫn đang bị chôn vùi trong các khoản nợ xấu và tài sản không sinh lời khác.

Việc NHNN liệt kê Sacombank vào nhóm 5 tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả 3 "ngân hàng 0 đồng" và DongA Bank, dù có phần gây hiểu nhầm, nhưng tất nhiên không vô nghĩa. Động thái này hàm ý rằng, Sacombank phần lớn đã xử lý những gì có thể tự xử lý, giờ đây, với những vấn đề rất "khó nhằn" còn lại, ngân hàng này buộc phải nhờ đến sự trợ giúp lớn từ phía NHNN.

Sacombank

Dù việc liệt kê Sacombank vào nhóm 5 tổ chức tín dụng yếu kém phần nào gây hiều nhầm, tuy nhiên, động thái này cũng gợi mở góc nhìn rộng hơn về tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay

Hiện Sacombank vẫn còn lượng không nhỏ nợ xấu chưa được ghi nhận, tiềm ẩn trong các khoản phải thu và lãi dự thu. Bằng chứng là tổng các khoản phải thu và lãi dự thu của Sacombank hiện lên đến trên 40.000 tỷ đồng, trong khi trước khi sáp nhập Southern Bank, con số này của Sacombank chưa tới 10.000 tỷ đồng.

Trường hợp của Sacombank gợi mở ra một góc nhìn rộng hơn về tình trạng nợ xấu trong ngành ngân hàng hiện nay. Nhiều năm vật lộn với nợ xấu từ thời kỳ tăng trưởng nóng, đến nay, đa số các ngân hàng đã xử lý xong lượng nợ xấu có thể tự xử lý, còn lại phần lớn đang là các khoản nợ xấu "khó nhằn". Đây là điểm nghẽn lớn với nhiều ngân hàng và đa số đang phải chấp nhận tình cảnh "vừa đi vừa đeo chì", đồng thời trích lập dự phòng một cách "rón rén" vì lo ảnh hưởng đến lợi nhuận, cũng là ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng ngân hàng.

Nhưng bên cạnh những ngân hàng phải "vừa đi vừa đeo chì", có không ít ngân hàng đang "thảnh thơi" với nợ xấu. Vài năm trở lại đây, ít ai nhắc đến nợ xấu của những Techcombank, MBBank hay LienVietPostBank. Trường hợp của Vietcombank còn đặc biệt hơn khi thông tin gần đây tiết lộ, nhà băng này là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC.

Viễn cảnh phân hóa chưa từng có

Sự phân hóa ngày càng rõ rệt trong gánh nặng nợ xấu đang tạo tiền đề quan trọng cho sự phân hóa giữa các ngân hàng, đặc biệt là khi xét về lợi nhuận. Nhưng vẫn còn một tiền đề cực kỳ quan trọng nữa cộng hưởng với nợ xấu, cho thấy tương lai ngành ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh phân hóa chưa từng có, đó là sự phân hóa trong mô hình tăng trưởng.

Việc so sánh giữa các ngân hàng đang ngày càng trở lên khó khăn và kém thực chất hơn, bởi các ngân hàng ngày càng ít đồng nhất về mô hình tăng trưởng, trong đó, sự kết hợp giữa tín dụng "truyền thống" với tín dụng bán lẻ đang tạo ra nhiều mô hình tăng trưởng rất khác nhau.

Trong khi nhiều ngân hàng vẫn trung thành với tín dụng "truyền thống", trong đó, khách hàng tổ chức vẫn là đối tượng kinh doanh chính, thì một số ngân hàng như Techcombank, SeABank hay VIB đang biến mảng bán lẻ trở thành trụ cột kinh doanh thực sự của ngân hàng với dư nợ tín dụng khách hàng cá nhân hiện đã ngang ngửa với khách hàng tổ chức. Một số các ngân hàng khác như MBBank, SHB đang rục rịch bám đuổi VPBank và HDBank theo hướng thành lập các công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt.

Một cách trực quan, rõ ràng mô hình thiên về bán lẻ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn (và tiềm ẩn rủi ro lớn hơn) mô hình thiên về "truyền thống", bằng chứng là sự bật tăng về lợi nhuận của nhóm ngân hàng thiên về bán lẻ mà tiêu biểu trong số đó là Techcombank và VPBank.

Ngân hàng bán lẻ

Sự xuất hiện và nở rộ của mô hình tăng trưởng thiên về bán lẻ, cùng với sự khác biệt trong gánh nặng nợ xấu, đang tạo ra "cơn sóng" phân hóa chưa từng có trong ngành ngân hàng

Khi đặt gánh nặng nợ xấu cạnh mô hình tăng trưởng, có thể nhanh chóng phân tách một cách tương đối các ngân hàng ra làm 4 nhóm. Trong đó, nhóm ít gánh nặng nợ xấu và sở hữu mô hình tăng trưởng thiên về bán lẻ (mô hình tăng trưởng nhanh hơn) là nhóm có lợi thế lớn nhất trong tăng trưởng. Bất lợi nhất là nhóm có gánh nặng nợ xấu cao và sở hữu mô hình tăng trưởng thiên về "truyền thống" (mô hình tăng trưởng chậm hơn). Còn lại 2 nhóm là nhóm ít gánh nặng nợ xấu nhưng sở hữu mô hình tăng trưởng thiên về "truyền thống" và nhóm có gánh nặng nợ xấu lớn nhưng sở hữu mô hình tăng trưởng thiên về bán lẻ.

Sự phân tách này cho thấy một cách trực quan viễn cảnh phân hóa ngân hàng trong tương lai sẽ lớn đến mức nào, những ai sẽ tụt lại phía sau và những ai sẽ "băng băng" tiến về phía trước.

Với riêng trường hợp của Sacombank, nguy cơ bị những Techcombank, VPBank vượt mặt là hiện hữu, bởi theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Sacombank, nếu không có sự tham gia của những nhà đầu tư mới, quá trình tái cấu trúc Sacombank thời kỳ hậu Southern Bank sẽ mất tới 5-6 năm, trong khi mức chênh vốn chủ sở hữu giữa Sacombank với Techcombank hiện chỉ chưa đầy 4.000 tỷ đồng, với VPBank chỉ chưa đầy 7.000 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng. Con số này ở Techcombank dự kiến lên tới 3.500 tỷ đồng, trong khi của VPBank thậm chí còn cao hơn, bởi 9 tháng đầu năm 2016, VPBank đã gần như hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế 3.200 tỷ đồng của cả năm 2016.

Tin mới lên