Ngân hàng

Tự do hóa lãi suất là xu thế tất yếu

Kết quả nghiên cứu trên 76 nước của World Bank cho thấy, xu hướng tự do hóa lãi suất đã và đang hình thành mạnh mẽ cả ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển.

Tự do hóa lãi suất là xu thế tất yếu

Ảnh minh họa.

Thực tiễn đã được minh chứng ở nhiều quốc gia

Trong một báo cáo mới đây phát đi từ Word Bank, các chuyên gia tài chính đến từ Nhật Bản, Brazil và Đông Âu bày tỏ băn khoăn về việc một số nước vẫn còn đang áp trần lãi suất cho vay. Theo phân tích của các chuyên gia, xét về khía cạnh khách quan, sẽ gần như không thể có một mức trần lãi suất hợp lý với tất cả mọi đối tượng, bởi nó còn tùy thuộc vào diễn biến thị trường tài chính và năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng (TCTD) hay mỗi cá nhân tham gia thị trường. Mặc dù cho đến nay biện pháp này vẫn còn được áp dụng ở một số nước, nhưng đó không thực sự là một giải pháp tối ưu.

Bài học thực tế ở Anh đã cho thấy điều đó. Trước đây, để quản lý thị trường cho vay, đặc biệt đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Chính phủ nước này đã đưa ra một mức lãi suất trần cụ thể. Tuy nhiên, không lâu sau khi ban hành quy định này, một bộ phận lớn người dân Anh có nhu cầu vay tài chính đã không được đáp ứng, vì khi ấy các TCTD ở Anh buộc phải siết chặt quy trình xét duyệt hồ sơ cũng như đòi hỏi cao hơn từ phía khách hàng để đáp ứng các quy định khắt khe của nhà quản lý. Nhu cầu vay tài chính trong dân quá lớn trong khi TCTD bị kìm hãm năng lực hoạt động đã khiến cho nạn tín dụng đen đã gia tăng nhanh chóng để lại những hệ quả nghiêm trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Anh. Phải mất một thời gian sau Chính phủ Anh mới nhận thức được những tồn tại trên và từ đó đã quyết định dỡ bỏ trần lãi suất.

Tương tự, từ năm 2013, Trung Quốc đã bỏ quy định cuối cùng về mức trần lãi suất cho vay theo hướng tự do hóa hoàn toàn. Về lãi suất huy động, từ tháng 10/2015, Trung Quốc cũng đã bỏ quy định về lãi suất trần, vốn trước đó được quy định 1,5 lần lãi suất điều hành kỳ hạn 1 năm. 

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Trung Quốc bỏ trần lãi suất cho vay và huy động đã đem lại khá nhiều lợi ích cho nước này. Cụ thể: Thứ nhất, thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình trong nước, vốn lâu nay ở mức thấp so với tăng trưởng GDP. Thứ hai, giúp người được vay tiền với lãi suất thỏa thuận theo năng lực trả nợ, do đó đã hạn chế việc vay nợ và sử dụng vốn một cách tràn lan. Thứ ba, giúp thị trường tự kiểm soát lãi suất dựa trên cung - cầu... 

Hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính vào lãi suất

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, trong các loại lãi suất cho vay thì lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn hẳn so với lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng. Ví dụ, tại Anh, lãi suất cho vay tiêu dùng được đánh giá là có mức khá cao, thậm chí gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi phải áp dụng trần lãi suất. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc rà soát, nước này quyết định chỉ kiểm soát lãi suất đối với phân khúc cho vay thế chấp lương (payday lending, một dạng cho vay cầm cố như ở Việt Nam) nhưng với mức trần rất cao là 292%/năm. 

Hay ở Mỹ, tuy không có quy định cấp liên bang về lãi suất cho vay tiêu dùng, song chính quyền các bang tự ban hành quy định nếu thấy cần thiết. Các bang thường chỉ quản lý chặt (bao gồm cả áp trần lãi suất cho vay) đối với các lĩnh vực rủi ro nhất như: Cho vay thế chấp lương (giống trường hợp ở Anh), cho vay thế chấp giấy tờ xe, cho vay tiêu dùng trả góp. Theo thống kê chỉ 1/5 số bang quy định trần với cả 3 loại hình cho vay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường trong dài hạn, các cơ quan quản lý nên đưa ra các giải pháp tăng cường các quy định về minh bạch hóa thông tin, nâng cao trách nhiệm của cả bên cho vay và người đi vay. Theo đó, lãi suất cho vay, đặc biệt đối với phân khúc cho vay tiêu dùng cần theo cơ chế thỏa thuận, hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính vào lãi suất vì như vậy là phi thị trường.

Ủng hộ quan điểm khuyến khích cho vay tiêu dùng khi xu hướng này đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước cần sớm có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa mô hình công ty tài chính tiêu dùng, có như vậy mới tạo nên một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Qua đó, người tiêu dùng sẽ tiếp cận được nguồn vốn chính thống rẻ hơn, thay vì phải tìm đến tín dụng đen.

Tin mới lên