Tài chính

Tù mù định giá doanh nghiệp 'làm khó' nhà đầu tư ngoại muốn M&A

(VNF) - Khi cố gắng hoàn thành một giao dịch M&A ở một thị trường với hệ thống luật lệ không rõ ràng, những khó khăn lớn nhất mà các nhà đầu tư gặp phải chính là khả năng thu thập được những thông tin chính xác về giá trị của doanh nghiệp và đảm bảo giao dịch chào bán công khai được thực hiện một cách rõ ràng và trung thực.

Tù mù định giá doanh nghiệp 'làm khó' nhà đầu tư ngoại muốn M&A

Chưa bao giờ, thị trường M&A Việt Nam lại trải qua cơn biến động mạnh mẽ như năm 2016, khi thị trường chứng kiến nhiều thương vụ lớn nhỏ lần lượt được các nhà đầu tư ra quyết định khá nhanh chóng. 

Xuất hiện nhiều thương vụ trên 100 triệu USD

Điều đó khiến tổng giá trị M&A năm 2016 theo thống kê của IMAA đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015. 

Hoạt động M&A trong năm 2016 được thúc đẩy chủ yếu bởi các "siêu thương vụ" (với 22/308 thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD), chiếm 70% tổng giá trị đầu tư thông qua hoạt động đầu tư năm 2016. 

Các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. 

Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, và Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và vật liệu - hóa chất với mục tiêu mở rộng thị trường. Hàn Quốc thực hiện một số thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm và tài chính - ngân hàng.

Theo Maxfield Brown - Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Tập đoàn tư vấn Dezan Shira & Associates, đối với những doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư vào thị trường Việt Nam hoặc đang tham khảo quy trình M&A, thì những xu hướng mới trong những năm gần đây rất đáng để chú ý. 

Trong đó, phải kể đến kế hoạch thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh Chính phủ không còn tiếp tục hỗ trợ gánh nợ cho các doanh nghiệp này và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện của Việt Nam. 

Theo báo cáo, 137 doanh nghiệp nhà nước được dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​các mức cổ phần hóa khác nhau từ năm 2017 đến 2020.

Danh sách 137 doanh nghiệp được công bố chính là dấu hiệu cho thấy, hoạt động M&A ở các ngành sẽ tăng vọt trong những năm tới. Đợt bán đấu giá cổ phần của các "ông lớn" PV Oil, PV Power, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) góp phần dự báo, ngành năng lượng và tài nguyên thiên nhiên sẽ có những bước tiến mạnh trong thời gian tới.

Vẫn còn thử thách

Mặc dù có khá nhiều cơ hội mới, nhưng Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Tập đoàn tư vấn Dezan Shira & Associates cho rằng cho rằng thị trường Việt Nam vẫn là một thử thách đối với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Khi cố gắng hoàn thành một giao dịch M&A ở một thị trường bất kỳ với hệ thống luật lệ không rõ ràng, những khó khăn lớn nhất mà các nhà đầu tư gặp phải chính là khả năng thu thập được những thông tin chính xác về giá trị của doanh nghiệp, cũng như việc đảm bảo giao dịch chào bán công khai được thực hiện một cách rõ ràng và trung thực. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để cải thiện tính trung thực cũng như hạn chế nguy cơ tài sản của Chính phủ có thể bị tư nhân hoá. 

Từ góc độ pháp lý, việc ban hành Nghị định số 81/2015/ND-CP đã cho thấy những tiến bộ đáng kể trong cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam. Điều luật này quy định chi tiết hơn các thủ tục cần thiết cho các công ty trong quá trình định giá.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc kết hợp các tiêu chuẩn báo cáo tài chính được dùng để các nhà đầu tư đánh giá các mục tiêu với các chuẩn mực quốc tế hoàn thiện nhất. Những thay đổi này có thể giúp cho thị trường M&A Việt Nam trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn cho những doanh nghiệp mới đến Việt Nam.

Trên cả những cải cách về mặt pháp lý, trong những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ, các hoạt động nhằm hạn chế những khoản chi tiêu khó kiểm soát của các doanh nghiệp nhà nước cũng được triển khai.

Theo quy định mới được ban hành vào năm 2017, những tổ chức được hỗ trợ từ Nhà nước sẽ không được tiếp tục nhận hỗ trợ trong trường hợp số nợ quá lớn. Trước khi điều luật này được thông qua, với các yếu tố tham nhũng, thiếu minh bạch và sự hỗ trợ của Nhà nước, thì các doanh nghiệp nước ngoài rất khó có thể đưa ra các nhận định sáng suốt về tài sản nhận được và công ty mà họ đang sáp nhập.

Mặc dù sự thành công của việc cải cách chính sách vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Tập đoàn tư vấn Dezan Shira & Associates, những thay đổi đầu tiên này cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy, chính quyền Việt Nam đang đẩy mạnh chính sách thúc đẩy hướng tới các đầu tư nước ngoài. 

Tin mới lên