Tài chính

Từ ngày 'thứ Hai đen tối', nhìn lại những phiên giảm lịch sử của Vn-Index

(VNF) - Hôm nay, Vn-Index đã có phiên giảm điểm kỷ lục kể từ năm 2009, điều này gợi nhớ lại về những khoảnh khắc khó khăn của thị trường chứng khoán từ khi thành lập đến nay.

Từ ngày 'thứ Hai đen tối', nhìn lại những phiên giảm lịch sử của Vn-Index

Từ ngày 'thứ hai đen tối', nhìn lại những phiên giảm lịch sử của VN-Index

Trong lịch sử 18 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, có rất nhiều phiên "đen tối" khi Vn-Index giảm tính bằng đơn vị hàng chục điểm và hầu hết các phiên giảm trên 5% đều xảy ra trong năm 2001.

Càng về sau, có vẻ những phiên "đen tối" như vậy xảy ra ít dần, khi thanh khoản thị trường ngày càng cao ở mức gần 5.000 tỷ đồng, tương ứng trung bình mỗi phiên hơn 300 triệu cổ phiếu được giao dịch và hiệu ứng tích cực đến từ nền kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định.

Có thể nói, phiên giảm điểm 5,1% hôm nay của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể coi là "xưa nay hiếm".

Phiên 12/5/2014: Hơn 250 mã giảm sàn

Ngày 12/5/2014, Vn-Index để rơi đến gần 30 điểm về mức 512,56 điểm. Sau đó, lực cầu bắt đáy lác đác xuất hiện, song vẫn không thấm so với sức cung, thị trường chấp nhận buông tay trong sắc đỏ.

Cả 2 sàn có hơn 250 mã giảm sàn, ngoại trừ MSN bất ngờ đi ngược lại xu thế của thị trường khi đóng cửa tăng nhẹ 1.000 đồng, lên 91.000 đồng/cổ phiếu với 220.620 đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào tới 209.240 đơn vị.

Tâm lý bi quan, hoảng loạn của thị trường không thay đổi tích cực hơn trong phiên chiều, dù nhiều nhà đầu tư tự an ủi, động viên nhau bình tĩnh. Nhìn lực bán giá sàn, khó có nhà đầu tư nhỏ nào có thể bình tĩnh để nắm giữ cổ phiếu trong danh mục sau khi nhiều tin tức xấu đến từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981.

Phiên 16/10/2014: Lo ngại đại dịch Ebola

Trong phiên giao dịch sáng 16/10, sau nửa thời gian đầu cầm cự đầu phiên, lực bán tháo đã có dấu hiệu xuất hiện ở nửa cuối phiên, đẩy Vn-Index lùi sâu qua mốc 595 điểm, mất hơn 17 điểm trước khi hồi nhẹ trở lại trên mốc này nhờ lực cầu bắt đáy giá thấp.

Thị trường chứng khoán toàn cầu lúc ấy cũng đang trải qua "những ngày đen tối" khi lệnh bán tháo lây lan khắp các thị trường trước lo ngại về suy thoái kinh tế và đại dịch Ebola.

Phiên 17/12/2014: Vn-Index có lúc mất hơn 22 điểm

Toàn sàn HOSE có gần 100 cổ phiếu giảm sàn. Vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch, tuy đã lấy lại phần nào điểm số đã mất, nhưng Vn-Index vẫn giảm gần 17 điểm, với 162 mã giảm giá (54 mã giảm sàn).

Rổ VN30 chỉ có 1 mã còn trụ lại tham chiếu, trong khi có tới có 26 mã giảm giá, 3 mã giảm sàn (HCM, PVT, GMD). Trong những mã giảm sàn, FPT, VNM, VIC, SSI, DPM, HSG mất từ 4-6% thị giá.

Phiên 21/8/2015: Hơn 60 cổ phiếu giảm sàn

Không ít nhà đầu tư phải choáng váng khi những con số giảm 10 - 12 - 15 rồi 17 điểm, 20 điểm, 24 điểm nhảy chóng mặt trong ngày 21/8. Thị trường đã đốt cháy rất nhiều tài khoản hôm đó và áp lực giải chấp tăng vọt.

Khoảng 60 cổ phiếu giảm sàn trong lúc cao điểm chỉ riêng ở HSX, rổ VN30 cũng đóng góp 8 mã. Còn số mã giảm 3-5% thì nhiều không đếm hết. Ngoài một vài cổ phiếu quá nhỏ, giao dịch lẻ tẻ còn tăng giá, không có cổ phiếu nào thanh khoản đủ tốt mà trụ lại được.

Vn-Index chạm đáy ở 542,31 điểm, tương đương giảm 24,38 điểm, hay 4,3%. Mức giảm này có thể làm "cứng người" cả những nhà đầu tư gan lì nhất nếu như danh mục vẫn còn nhiều cổ phiếu. Mức giảm cực lớn của Vn-Index dĩ nhiên là có tác động từ các nhóm cổ phiếu lớn như dầu khí, ngân hàng. GAS cũng giao dịch ở giá sàn, VCB có lúc giảm 5,36%.

Phiên giao dịch 24/8/2015: Phá giá đồng tiền khiến khối ngoại lo ngại

Có 180 mã giảm sàn trên cả HOSE và HNX đã khiến thị trường không thể chống đỡ được, Vn-Index mất 30 điểm.

Việc phá giá đồng tiền khiến khối ngoại lo ngại

Việc phá giá tiền đồng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư ngoại. Họ đã "lỗ tỷ giá" ~3% sau hành động của Ngân hàng Nhà nước. Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, vì vậy Việt Nam cũng phải phá giá theo để bảo vệ xuất khẩu của đất nước.

Phiên giao dịch 18/1/2016: Nhà đầu tư hoảng loạn, Vn-Index mất 3,2%

Với ảnh hưởng của thị trường chứng khoán toàn cầu và thông tin về áp lực giải chấp đã tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư khi bước vào phiên giao. Lực bán tháo đã diễn ra ngay từ đầu phiên, đẩy Vn-Index có lúc giảm hơn 20 điểm.

Trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán Trung Quốc, dòng tiền tháo chạy ngày càng tăng nhanh. Theo ghi nhận từ các ngân hàng Trung Quốc, nhu cầu đổi nhân dân tệ sang USD của người dân đã tăng vọt trong đầu năm 2016 so với các năm trước đó. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường Việt Nam.

Phiên 24/6/2016: Lo ngại Brexit

Lo ngại Brexit, nhà đầu tư trong nước đã hoảng loạn khiến thị trường lao dốc trong phiên sáng. Tuy nhiên, trong phiên chiều sau khi Brexit chính thức xảy ra, Vn-Index xuống dưới mốc 600 điểm, lực cầu bắt đáy đã chảy mạnh, giúp thị trường hồi dần với thanh khoản đột biến, lên mức cao nhất gần 2 năm.

Brexit gây ra sự rung lắc mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Kết quả cuộc bầu cử lịch sử của người dân Anh ngã ngũ khi có gần 52% cử tri ủng hộ Anh rời EU. Brexit đã trở thành hiện thực, đồng thời đang tạo nên những "cơn ác mộng" tại tất cả các thị trường tài chính trên toàn cầu. Từ chỉ số FTSE 100 tương lai cùng S&P 500, cho tới các chỉ số chứng khoán châu Á đều sụt giảm mạnh nhất trong gần 1 năm qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mức giảm sâu đã thể hiện ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch sáng với mức giảm hơn 21 điểm.

Trong phiên chiều, sau khi kết quả kiểm phiếu Brexit chính thức được công bố, Vn-Index tiếp tục lao dốc, phá vỡ luôn mốc 600 điểm. Tuy nhiên, ngay khi chỉ số này xuyên qua mốc 600 điểm, lực cầu bắt đáy đã ồ ạt đẩy vào, giúp thị trường hồi phục dần và chốt phiên đã lấy lại được mốc 620 điểm.

Phiên 9/8/2017: Tin đồn nguyên chủ tịch BIDV bị bắt

Phiên giao dịch 9/8 khép lại với những diễn biến không thực sự tích cực khi áp lực bán tăng vọt, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 20 tháng qua. 

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index giảm 17,91 điểm (2,26%) xuống 773,66 điểm; Hnx-Index giảm 1,22 điểm (1,19%) xuống 101,07 điểm và UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (0,3%) xuống 55,03 điểm.

Cựu chủ tịch BIDV - Ông Trần Bắc Hà

Nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu lúc này còn đến từ VNM khi giảm 1,3% . VNM cùng với BID đang là 2 cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới thị trường lúc này. Các cổ phiếu "họ BIDV" như BSI, BIC cũng giảm điểm.

Mặc dù đã có những thông tin bác bỏ về đồn đoán xoay quanh cựu chủ tịch BIDV nhưng cổ phiếu BID vẫn bị bán mạnh và giảm sàn xuống 20.400 đồng trong tình trạng "trắng bên mua".

Phiên 5/2/2018: Ngày thứ hai đen tối không chỉ của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam

Có thể nói từ ngày 8/5/2014 với sự kiện Biển Đông đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chứng kiến một "ngày đen tối" của Vn-Index khi giảm 5,1%, hàng loạt Blue - chip nằm sàn la liệt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 5/2/2018 chứng kiến phiên giảm mạnh của Vn-Index khi kết phiên, chỉ số giảm 56,33 điểm (5,1%) còn 1.048,71 điểm. Toàn thị trường có đến 126 mã giảm sàn trong đó riêng HOSE đã có đến 71 mã tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu dòng dầu khí, nhóm bất động sản cùng nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ.

VN30 ghi nhận 13 mã giảm sàn với loạt nhóm trụ cột như VIC, VRE, VCB, MSN, GAS, STB, STB, BID, CTG, HSG...

Thanh khoản toàn thị trường hơn 391 triệu đơn vị với giá trị thị trường khoảng 10.000 tỷ đồng, riêng HOSE đạt hơn 8.291 tỷ đồng.

Dấu hiệu cho phiên giảm sâu hôm nay bắt nguồn từ phiên 29/1 khi lần đầu khối ngoại bán ròng trên HOSE với giá trị gần 287 tỷ đồng trong tháng 1. Bên cạnh dòng tiền từ khối ngoại yếu thì giá trị giao dịch thị trường suy yếu từ phiên 31/1, giảm từ 12.400 tỷ đồng xuống còn gần 7.200 tỷ đồng phiên 2/2.

Bên cạnh đó, thông tin trước đó được Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra là sẽ trình Bộ Tài chính giãn lộ trình áp dụng việc tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu tư mức tối thiểu 50% lên 60% sang ngày 1/3/2018 tức sau đợt Tết nguyên đán thay vì ngày 1/2/2018 như trước đó. Đây cũng một là một trong các lý do khiến nhà đầu tư bắt đầu chốt lãi, xuất hiện nhiều phiên bán tháo.

Không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada, hay khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng "đỏ lửa" cũng góp phần tác động lên tâm lý nhà đầu tư phiên nay.

Đợt điều chỉnh trên thị trường lần này xuất phát từ việc nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dần thắt chặt chính sách tiền tệ và có tăng lãi suất nhiều hơn kỳ vọng trong những năm tới. Bên cạnh đó lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh 4 năm ở 2,87% do số liệu việc làm và lương của người lao động Mỹ trong tháng 1 đều tăng mạnh.

Ngày thứ hai đen tối không của chỉ riêng Việt Nam

Tin mới lên