Tiêu điểm

Từ thảm họa cá chết, nhìn về chiến lược FDI

VietnamFinance giới thiệu góc nhìn của TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài về chiến lược thu hút FDI nhân thảm họa cá chết tại miền Trung.

Từ thảm họa cá chết, nhìn về chiến lược FDI

Các hạn chế của FDI

Không phải các cơ quan quản lý nhà nước về FDI, cũng như các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học nói chung không phát hiện ra các hạn chế - các tác động xấu của FDI tới nền kinh tế. Trong các báo cáo tổng kết về FDI từng giai đoạn và hàng năm của các Bộ ngành, địa phương đều đã nêu rõ các hạn chế của công tác quản lý nhà nước về FDI, một số hạn chế đó là:

- Mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt được như kỳ vọng;

- Hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực trong nước chưa cao;

- Dòng đầu tư từ các nước phát triển vào Việt Nam còn khiêm tốn nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia;

- Một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững,tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, sử dụng tài nguyên không hiệu quả;

- Tỷ lệ giải ngân vốn FDI - một chỉ  tiêu  quan trọng, phản ánh kết quả thực tế thu hút  FDI còn thấp;

Các nguyên nhân tạo ra các  hạn chế đó cũng đã được nêu trong các báo cáo tổng kết, như:

- Cơ sở để thu hút FDI như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp trong nước…chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến giảm khả năng hấp thụ, cũng như hiệu quả của FDI;

- Hệ thống luật pháp,chính sách liên quan đến đầu tư bị chồng chéo, chia cắt, làm giảm hiệu lực thi hành, làm cho hệ thống pháp luật đầu tư thiếu tính ổn định, minh bạch và đồng bộ;

- Còn khoảng cách giữa các qui định của pháp luật và việc thực thi gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp;

- Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn;

Tuy sau mỗi đợt tổng kết, việc xử lý các hạn chế của FDI cũng có được một số kết quả, nhưng nhìn chung đến nay các hạn chế đó vẫn tồn tại, chưa  giải quyết được dứt điểm. Câu hỏi đặt ra là vì sao như vậy? Phải chăng công tác quản lý nhà nước vẫn  không thể giải quyết được các hạn chế này? Và phải bắt đầu từ khâu "ĐỘT PHÁ" nào để giải quyết dứt điểm được các hạn chế của FDI? Các câu hỏi này đang chờ "QUYẾT TÂM  & CÁCH GIẢI" từ các cơ quan quản lý nhà nước về FDI.

Có một ví dụ cụ thể về quản lý nhà nước có thể giúp tìm ra được khâu ĐỘT PHÁ, như một hạn chế của FDI đã được chỉ  ra trong các báo cáo tổng kết là "Một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...", và trong mấy năm trước, ít nhất đã có một thực tế xấu về hủy hủy hoại môi trường đã xảy ra là vụ xả thải trực tiếp ra sông Đồng Nai của công ty VEDAN Việt Nam làm cá chết và bà con nuôi trồng thủy sản trong vùng điêu đứng.

Nay tại Hà Tĩnh, việc cho phép FORMOSA  nhập khẩu một lượng lớn chất độc hại vào sử dụng tại Việt Nam đã không được giám sát chặt chẽ từng bước, từng công đoạn sử dụng (như việc sử dụng  như thế nào, đúng công đoạn được phép sử dụng không? Thời điểm sử dụng và mỗi đợt sử dụng là bao nhiêu? Chất thải của mỗi đợt sử dụng đó được xử lý thế nào trước khi xả ra môi trường - đã theo đúng quy định đảm bảo an toàn cho môi trường chưa?...) cho thấy công tác quản lý chất độc hại nhập khẩu đã bị buông lỏng, phó mặc cho nhà đầu tư, nên khi xảy ra việc cá chết hàng loạt, đã không thể và không dám  kết luận ngay việc: có hay không việc FORMOSA gây ra tác hại này?

Vậy bài học từ ví dụ cụ thể này là gì? Lỗi là do các qui chế quản lý, thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu chất độc hại vào sử dụng tại Việt Nam chưa đầy đủ? hay do bộ máy quản lý nhà nước và các công chức thực thi công vụ trong bộ máy đó đã buông lỏng quản lý, không làm hết trách nhiệm của mình? Khâu cần ĐỘT PHÁ để đổi mới khắc phục các hạn chế của FDI sẽ từ khâu rà soát, điều chỉnh, bổ sung các qui định pháp lý về nhập khẩu, sử dụng chất độc hại vào Việt Nam? Hay từ khâu chấn chỉnh lại bộ máy quản lý và đội ngũ công chức thừa hành công vụ?

Nếu so sánh giữa hai nội dung: (i) Rà soát điều chỉnh bổ xung các qui định pháp lý về nhập khẩu và (ii) Chấn chỉnh lại bộ máy quản lý và đội ngũ công chức thừa hành công vụ để chọn một làm khâu ĐỘT PHÁ xử lý tiếp vụ việc và các hiện tượng tương tự hiện có, cũng như trong tương lai, chúng tôi thấy cần bắt đầu từ khâu chấn chỉnh lại đội ngũ công chức thừa hành công vụ. Bắt đầu từ khâu ĐỘT PHÁ này cùng với việc rà soát lại các qui định pháp lý liên quan cho thấy "trúng" hơn vì hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư đã luôn được hoàn chỉnh và vẫn đang tiếp tục đươc hoàn chỉnh, nhưng nếu đội ngũ công chức thực thi năng lực yếu,thiếu trách nhiệm vẫn dẫn đến hậu quả là các hạn chế của FDI vẫn luôn còn đó. Đội ngũ công chức có năng lực,có trách nhiệm sẽ giúp giải quyết tốt các hạn chế của FDI nhiều năm qua.

Ngoài các hạn chế đã được nêu trên chưa được xử lý dứt điểm, trong quá trình thu hút FDI những năm gần đây lại xuất hiện thêm nhiều các hạn chế mới, tiềm ẩn các rủi ro cao, cũng cần tính đến các giải pháp thích hợp để khắc phục. Một số các hạn chế đó là:

- Chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư tiềm năng đến từ  Châu Âu, Châu Mỹ (đặc biệt từ  Hoa Kỳ ), Châu Úc, Nga. Nhìn vào Top 10 các nhà đầu tư lớn nhất trong 2015, có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới trên 19,4 tỷ USD, chiếm 85,4% tổng vốn FDI đăng ký trong 2015, thấy chủ yếu là các nhà đầu tư đến tư Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong, Trung quốc). 

- Mất cân đối về hình thức đầu tư: Đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tiếp tục là hình thức đầu tư chủ yếu trong FDI, tính lũy kế đến thời điểm hiện nay là trên 80% (riêng năm 2015 hình thức này chiếm tới 85% số dự án cấp mới). Số liệu cụ thể như sau: lũy kế đến cuối năm 2015, các dự án FDI còn hiệu lực theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài là 16.506 dự án trên tổng số 20.069 dự án, trong khi đó hình thức công ty liên doanh chỉ có 3.321 dự án, phần còn lại là các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng BT, BOT, BTO). Với tình hình này, việc tiếp cận công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến thông qua FDI rõ ràng bị hạn chế, không phù hợp với mục tiêu thu hút công nghệ cao thông qua FDI.

- Vẫn còn hiện tượng có địa phương chưa tuân thủ đúng qui trình thẩm định –cấp phép, chưa xem xét kĩ các yêu cầu về qui hoạch, cấp phép thiếu cân nhắc  đầy đủ các yếu tố liên quan, do vậy đã cấp phép vào cả các vùng nhạy cảm không đảm bảo được an ninh quốc phòng. Việc chọn lựa nhà đầu tư này- loại bỏ nhà đầu tư kia cũng cần được xem xét lại (như trường hợp FORMOSA ở Hà Tĩnh, trước đó đã có Tập đoàn thép TATA của ẤN ĐỘ, một Tập đoàn chuyên sâu về sản xuất thép trên thế giới, đã mất rất nhiều thời gian cho dự án thép tại Hà Tĩnh nhưng đã phải ra đi,và thay vào đấy là FORMOSA).

- Tái xuất hiện việc "Đầu tư chui": khi người nước ngoài (chủ yếu là người Hoa) thông qua người Việt Nam đứng tên mua bất động sản, đây là một hình thức "Đầu tư chui" có vốn nước ngoài (như tình trạng người nước ngoài mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm, tập trung ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà, sân bay nước mặn... thuộc Đà Nẵng trong 2015 đã được các phương tiện thông tin, truyền thông nêu). Đây là một dạng "Đầu tư chui" chứa đựng nhiều điểm xấu đối với cả kinh tế và an ninh, trật tự xã hội về lâu dài.

- Việc cho phép hàng nghìn người lao động nước ngoài vào làm việc trong một số dự án lớn lại chủ yếu là các lao động thủ công vừa cạnh tranh với lao động trong nước, vừa tiềm ẩn các rủi ro khi có các sự cố về an ninh, quốc phòng của đất nước như sự cố tháng 5/2014, trong đó các nhóm người tại địa phương bị kẻ xấu kích động đã đập phá một số doanh nghiệp có vốn FDI nhân việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD - 981 trái phép vào vùng lãnh hải của Việt Nam. Tuy việc đập phá không xảy ra tại Hà Tĩnh, nhưng hàng nghìn lao động Trung quốc đang làm việc tại FORMOSA  đã bỏ về Trung Quốc.

- Đi cùng với FDI vào Việt Nam là việc đang hình thành nên các khu dân cư mới tập trung nhiều người nước ngoài, tuy còn nhỏ nhưng lại ở các thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh (như các cụm dân cư tập trung đông người Hàn Quốc) tuy chưa phải như các khu phố người Hoa - "China Town", nhưng đã có xu hướng như vậy, sẽ rất khó cho công tác quản lý người nước ngoài và khu đô thị sau này.

- Theo kết quả khảo sát tình hình vay vốn của các doanh nghiệp FDI tại Việt nam của Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2014, có khá nhiều các doanh nghiệp FDI đã vay vốn trong nước để đầu tư như ở tỉnh Bắc Ninh các doanh nghiệp này đã vay vốn trong nước lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp FDI ở các địa phương khác như Bà Rịa –Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam… việc vay vốn trong nước của các doanh nghiệp FDI cũng rất phổ biến. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng đối với khu vực doanh nghiệp FDI hiện đang ở khoảng 100.000 tỷ đồng. Đáng báo động là các doanh nghiệp này không chỉ tiếp cận vốn vay cho dịch vụ, bảo lãnh XNK mà còn vay vốn để đầu tư xây dựng nhà máy, công trình. Hiện tượng này không chỉ làm chệch hướng mục tiêu thu hút FDI, mà còn gây cạnh tranh về vốn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đột phá thế nào để thu hút FDI hiệu quả?

Vậy câu hỏi đặt ra là: Việt Nam cần làm gì trong giai đoạn 2016 – 2020 đối với FDI để phát huy các thành tích đã đạt được, khắc phục được các hạn chế đang tồn tại, tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức trước các cơ hội và  thách thức đan xen khi hàng loạt các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết tham gia, thực hiện ( FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EU, TPP…)

Nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung của môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn hiện nay, vì trong hội nhập và cạnh tranh thì thành quả và hiệu quả của FDI mỗi nước phụ thuộc vào sức cạnh tranh của môi trường đầu tư - kinh doanh nước đó. Yếu tố then chốt quyết định mức độ cạnh tranh của môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam cao hay thấp, có đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế hay không, cho thấy bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước các cấp. Hiện tại nội dung này là then chốt, cần thực hiện để nâng cao được năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam.

Đối với FDI, đó cũng chính là việc nâng cao được hiệu quả công tác quản lý nhà nước về FDI, mà khâu ĐỘT PHÁ trước hết là rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ công chức quản lý, giám sát hoạt động FDI ở các Bộ, ngành, địa phương  gắn chặt với việc nâng cao năng lực, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức nhà nước các cấp.

Đối với một số hạn chế mới tiềm ẩn rủi ro cao trong thu hút FDI như: mất cân đối trong hình thức đầu tư, mất cân đối về đối tác nước ngoài, hàng nghìn lao động nước ngoài vào làm tại một dự án ở những khu vực trọng yếu của đất nước, việc hình thành nên các khu dân cư mới người nước ngoài, cấp phép cho những dự án FDI vào những vùng đất nhạy cảm... cần tiến hành nghiên cứu  đồng bộ lại các Bộ luật, các qui định pháp lý liên quan như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật lao động, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở… các qui định về nhà ở, cư trú, xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài… để có các giải pháp giải quyết xung đột giữa thu hút FDI để phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, độc lập và tự chủ của nền kinh tế.

Mục tiêu đặt ra cho FDI 2016 – 2020 chắc chắn sẽ phải cao hơn các thành tựu đã đạt được trong 2011 – 2015 với các thuận lợi cơ bản như: nền kinh tế trong nước được dự báo sẽ tiếp tục phát triển; Chính phủ và các Bộ, ngành, Địa phương đang rất quyết tâm thực hiện nhiều cải cách, đổi mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư; nhiều cơ chế chính sách về đầu tư có hiệu lực trong năm 2015 - 2016 sẽ tạo điều  kiện cải thiện môi trường đầu tư –kinh doanh; Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào  kinh tế thế giới với việc tham gia vào thực hiện các FTA thế hệ mới; các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có các đánh giá tốt về môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam; Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Hoa kỳ đang mở ra các cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút FDI từ Hoa Kỳ…

Nếu không có các diễn biến bất thường của tình hình chính trị, kinh tế, tài chính trên thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020, cùng với việc tích cực khắc phục các hạn chế của FDI trong giai đoạn sắp tới của Chính phủ, của các Bộ ngành, địa phương, dự báo dòng vốn FDI quốc tế sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân 15 - 20% cao hơn so với mức đã đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015 về cả vốn FDI thực hiện và vốn  FDI đăng ký.

Tin mới lên