Tiêu điểm

Tướng Nguyễn Hữu Dánh: 'Chỉ trưng dụng phương tiện phục vụ lợi ích chung'

(VNF) - Theo quy định của pháp luật, việc trưng dụng phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, vì vậy không thể thực hiện việc trưng dụng phương tiện một cách tùy tiện và tràn lan.

Tướng Nguyễn Hữu Dánh: 'Chỉ trưng dụng phương tiện phục vụ lợi ích chung'

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an nêu quan điểm về vấn đề 'cảnh sát giao thông được trưng dụng phương tiện của tổ chức, cá nhân", một chủ đề đang làm nóng công luận trong thời gian gần đây.

Ngày 15/2/2016, Thông tư số 01/2016/TT-BCA (Thông tư số 01) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát (TTKS) giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) có hiệu lực. Khoản 6, Điều 5 của Thông tư quy định về quyền hạn của lực lượng CSGT được trưng dụng các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đó theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhân dân và tạo điều kiện cho lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, TTATXH, phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn, lo ngại việc lạm quyền của lực lượng CSGT này khi làm nhiệm vụ. 

Đủ căn cứ pháp lý

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cho rằng về mặt pháp lý, cơ sở để ban hành Thông tư số 01 là Luật Công an nhân dân năm 2014; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17-11-2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. 

Trong quá trình xây dựng Thông tư, đã tuân thủ đúng theo Luật ban hành văn bản và quy phạm pháp luật, về nội dung đã kế thừa các văn bản trước đây và lấy ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương.

Sau khi Thông tư được ban hành, còn có ý kiến cá nhân cho rằng Thông tư trên chưa phù hợp với quy định của pháp luật, Cục CSGT đã cùng với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật và đã thống nhất khẳng định Thông tư số 01 không trái với quy định của pháp luật.

Về quy định trưng mua trưng dụng tài sản, phải theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, theo đó khi trưng mua, trưng dụng tài sản phải có quyết định của Bộ trưởng, cụ thể ở đây là Bộ trưởng Bộ Công an.

"Như vậy, Thông tư số 01 chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân đã được quy định trong Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, còn các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, nguyên tắc, thủ tục trưng dụng đã được quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nhấn mạnh.

Khi nào thì được huy động phương tiện?

Trả lời câu hỏi, trường hợp khi giải quyết các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ngăn chặn, truy bắt tội phạm và cứu hộ, cứu nạn trong khi CSGT không đủ phương tiện, thiết bị để giải quyết thì CSGT phải làm gì, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nêu rõ: Tại Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân quy định cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân khi thi hành nhiệm vụ được phép huy động phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.

Theo quy định tại Điều 13, Luật Công an nhân dân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 38, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông cũng đã quy định rõ, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải dừng ngay phương tiện; giữ hiện trường; cấp cứu người bị nạn... Người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin cho cơ quan chức năng; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu…

Như vậy trong tình huống cấp bách, cấp thiết để kịp thời cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm… thì CSGT đề nghị hoặc yêu cầu sử dụng phương tiện, người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó của cơ quan, tổ chức, người tham gia giao thông đi trên đường để cấp cứu người bị nạn, giải tỏa ùn tắc giao thông, truy bắt tội phạm, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy…

Trước những ý kiến rằng CSGT sẽ lạm quyền trưng dụng phương tiện khi người dân phát hiện sai phạm của mình. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh khẳng định: Theo quy định của pháp luật, việc trưng dụng phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, vì vậy không thể thực hiện việc trưng dụng phương tiện một cách tùy tiện và tràn lan.

Tại Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân quy định cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân khi thi hành nhiệm vụ được trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó… Như vậy, khi CSGT trưng dụng thì người dân vẫn sử dụng phương tiện của mình.

Cụ thể, CSGT trưng dụng điện thoại của người dân để gọi cấp cứu, thì chính người có điện thoại gọi; hoặc trưng dụng môtô, xe máy, xe ôtô đưa người bị nạn đến bệnh viện, đuổi bắt tội phạm... thì cũng chính người có tài sản dùng phương tiện đó để thi hành nghĩa vụ trưng dụng. 

Trong trường hợp CSGT phải trưng dụng phương tiện của công dân, trực tiếp mình sử dụng (chẳng hạn tự điều khiển phương tiện để bắt giữ tội phạm) nếu làm hư hỏng, mất mát phải bồi thường theo pháp luật.

Tin mới lên