Bất động sản

Tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đội vốn lên 48.711 tỷ đồng

UBND TP. HCM vừa đề nghị các bộ, ngành liên quan tiến hành thẩm định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Trong văn bản số 776/TTr – UBND do Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến ký gửi các bộ ngành liên quan vào cuối tuần trước, trong đó có Bộ Kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo thành phố khẳng định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, TP. HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương là bất khả kháng và đã được Liên danh Công ty TNHH Mott MacDonald Singapore - Công ty TNHH Giao thông vận tải thẩm tra kỹ.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án mà UBND TP. HCM xin điều chỉnh là là 48.771,119 tỷ đồng, tương đương 2.173,207 triệu USD, tăng 798,71 triệu USD (khoảng 58%) so với tổng mức đẩu tư được duyệt năm 2010 (là 1.374,5 triệu USD).

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2024.

Có bốn lý do chính dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án được thành phố đưa ra gồm: do điều chỉnh thiết kế cơ sở do biến động giá nguyên vật liệu, tăng lương tối thiểu từ năm 2010 - 2017; tăng chi phí giải phóng mặt bằng do đơn giá bồi thường phải được tính toán theo giá thị trường theo quy định hiện nay; 

Do chi phí dự phòng tăng theo các chi phí cơ bản tăng và do điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án: dự phòng trượt giá tới năm 2024 do thời gian thực tế triển khai dự án dự kiến đến năm 2024 mới hoàn thành theo yêu cầu thực tế hiện nay; do thay đổi tỷ giá và lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn giữa các nhà tài trợ ảnh hưởng đến việc tính toán lãi vay trong thời gian xây dựng.

Đối với khoản kinh phí tăng thêm, UBND TP. HCM cho biết là ADB đã xác nhận khoản vay bổ sung 500 triệu USD trong năm 2018; Ngân hàng KfW xác nhận khoản tài trợ 200 triệu Euro và phương án vay bổ sung. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng EIB cho biết là sẽ bổ sung vốn 50 triệu euro cho dự án từ nguồn vốn bị hủy của Hiệp định hạn mức tín dụng tài trợ cho Chương trình biến đổi khí hậu.

UBND TP. HCM cũng xin điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án từ năm 2018 - 2024 để đảm bảo đủ thời gian thực hiện hoàn thành dự án theo yêu cầu của thực tế (thời gian này đã được thành phố thảo luận và thống nhất với các Nhà tài trợ).

Với tiến độ hoàn thành được chốt vào năm 2024, các mốc thời gian thực hiện chính của dự án cũng được thay đổi theo. Cụ thể, năm 2017 - 2018: tổ chức đấu thầu song song điều chỉnh dự án; năm 2019: khảo sát và thiết kế kỹ thuật; năm 2020 - 2023: tổ chức thi công; năm 2024: kiểm tra hoàn thành, vận hành chạy thử và khai thác.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết việc điều chỉnh dự án với nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở đã tối ưu hóa giải pháp thiết kế, thông số kỹ thuật dự án để tăng tính án toàn trong xây dựng và vận hành khai thác đồng thời giảm thiểu việc thu hồi đất nhà dân ngoài lộ giới quy hoạch các tuyến đường, tăng sử dụng đất công để bố trí từ đó tạo được sự đồng thuận cao của các hộ dân bị ảnh hưởng đem lại hiệu quả cao hơn về mặt xã hội của dự án...

Dự kiến dự án sau điều chỉnh mang lại hiệu quả tài chính với các chỉ số như sau: tỷ suất nội hoàn tài chính (FIRR) là 3,78%, giá trị hiện tại ròng (NPV) là 758,1 triệu USD.

Dự án tuyến metro số 2, TP. HCM giai đoạn 1 có mục tiêu xây dựng đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,2 km; xây dựng đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km; các công trình trên tuyến bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...

Dự án vay vốn ODA từ các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Trong giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), dự án được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.

Sự hình thành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm thành phố…

Về lâu dài, tuyến đường sắt đô thị số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây Bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh 2 khu đô thị mới của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.

Tin mới lên