Thị trường

Uber, Grab 'lũng đoạn thị trường', doanh nghiệp taxi ‘chết do chính sách’

(VNF) – Theo Hiệp hội Taxi TP. HCM, Uber và Grab đang lũng đoạn thị trường vận tải, gây ra nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, thất thu thuế, nhờn luật… Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi lại bị ràng buộc bởi 13 điều kiện kinh doanh và có khả năng "chết do chính sách của chính mình".

Uber, Grab 'lũng đoạn thị trường', doanh nghiệp taxi ‘chết do chính sách’

Hiệp hội Taxi TP. HCM kiến nghị không gia hạn thí điểm xe hợp đồng điện tử

Uber, Grab đang lũng đoạn thị trường

Hiệp hội Taxi TP. HCM cho biết từ năm 2014, khi hoạt động của Công ty Grab và Uber với hình thức hoạt động như taxi được phát triển rầm rộ thì toàn bộ thị trường taxi thành phố bị đảo lộn, hoạt động của các doanh nghiệp taxi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chịu được áp lực của thị trường, đã có 4 công ty taxi giải thể hoặc sáp nhập. Số đầu xe taxi cũng giảm hiện chỉ còn hơn 8.900 xe (giảm hơn 3.000 xe so với năm 2010).

Trong khi đó, số lượng xe chạy hợp đồng điện tử trong 2 năm qua đã tăng chóng mặt, lên tới 28.000 xe. Đa số tập hợp vào mô hình kinh tế hợp tác xã xe chạy hợp đồng, trong đó có những hợp tác xã có số lượng xe rất lớn từ 4.000 – 6.000 xe (phần lớn là xe hợp đồng điện tử từ 9 chỗ trở xuống chạy cho 2 đơn vị là Grab và Uber).

"Đây là kết quả hai mặt trái ngược của vận tải hành khách bằng taxi và vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử được thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016", Hiệp hội Taxi TP. HCM đánh giá.

Sự phát triển quá mạnh của Uber, Grab đã khiến các doanh nghiệp taxi lao đao

Theo Hiệp hội, thị trường vận tải hành khách taxi đang bị lũng đoạn, mất phương hướng vì Uber, Grab. Điều này thể hiện trước hết qua số lượng xe chạy hợp đồng tăng lên quá nhanh (28.000 xe) gấp 3 lần số xe taxi hiện tại, vượt quá quy hoạch taxi năm 2025 là 16.500 xe, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, với chiến lược khuyến mãi, giảm cước tràn lan, các hợp tác xã xe chạy hợp đồng đã tạo ra "một thị trường cạnh tranh có tính liên kết của nhiều đơn vị vận tải cùng một chủ là 2 công ty nước ngoài".

"Uber, Grab triển khai ở Việt Nam kể cả lúc nhà nước chưa cho phép, các khâu tuyển dụng, quảng cáo, khuyến mãi đã tạo ra một sân chơi riêng do các đơn vị này quyết định.

Hiện Grab đã công bố triển khai thí điểm trên nhiều thành phố, địa phương ngoài Quyết định 24. Thanh tra giao thông TP. HCM đã tiến hành thanh tra nhiều và đều gửi báo cáo về vi phạm của xe con chạy cho Grab, Uber nhưng chỉ xử lý vi phạm của đối tác phía Việt Nam, còn chủ thể Grab, Uber thì nằm ngoài tầm kiểm soát", Hiệp hội Taxi TP. HCM cho biết.

Hiệp hội cũng cho rằng vì Uber, Grab, tâm lý của các nhà đầu tư vào taxi trong nước bất ổn, không tin tưởng vào chính sách nhà nước về taxi, chưa kể nghi vấn 2 đơn vị này có gian lận thuế.

Thiếu sót lớn từ Quyết định 24

Theo Hiệp hội Taxi TP. HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc phân chia sai hình thức vận tải hành khách trong thành phố. Cụ thể, với xe 9 chỗ trở xuống, cùng là một hình thức vận tải hành khách trong thành phố nhưng lại tách ra làm 2 loại hình taxi và xe hợp đồng điện tử.

2 loại này có 2 điều kiện kinh doanh hết sức khác nhau: xe hợp đồng điện tử hầu như không bị ràng buộc gì trong khi xe taxi bị "tù" trong 13 điều kiện chặt chẽ. Đây là vấn đề lớn vẫn được duy trì trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo.

Bên cạnh đó, việc cho thử nghiệm quá lớn trong thời gian quá dài (2 năm tại 5 thành phố lớn) và không khống chế số lượng xe thử nghiệm đã gây ra tình trạng lượng xe hợp đồng tăng vọt lên trong thời gian qua.

"Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải cũng không quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm đối với đơn vị vi phạm, do đó chỉ xử lý vi phạm của đối tác phía Việt Nam còn chính chủ Grab, Uber thì đứng ngoài", Hiệp hội nhấn mạnh.

Cũng theo Hiệp hội, do không lường trước hết được các hệ lụy, trong khi không coi trọng đến cơ chế quản lý nên tình trạng lách luật của Grab và Uber đã diễn ra phổ biến.

"Tình hình tổ chức hợp tác xã vận tải hiện nay kết hợp với quy định quản lý xe hợp đồng hết sức đơn giản là điều kiện dễ dàng cho Uber, Grab phát triển nhanh chóng số xe, mở rộng thị trường cũng như tạo thuận lợi trong cơ chế cạnh tranh với hoạt động kinh doanh taxi".

Ngoài ra, Hiệp hội cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Bộ, chưa thực sự sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng 4.0 ở lĩnh vực taxi, không đưa ra được lộ trình tiếp cận hình thức vận tải mới, do vậy bị lúng túng, chậm đưa các điều chỉnh, cảnh báo, can thiệp thông qua chính sách để điều chỉnh thị trường.

"Bộ Giao thông vận tải chưa lắng nghe và tiếp nhận các khuyến cáo, đề nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội taxi, hiệp hội vận tải và kể cả ý kiến của các Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố. Đây là một điều đáng tiếc, ngành taxi có thể chết do chính sách của chính mình", Hiệp hội Taxi TP. HCM bình luận.

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị trong khi chưa có Nghị định thay thế Nghị định 86 thì sau khi hết thời gian thí điểm không nên gia hạn thí điểm hoặc để tình trạng thị trường vận tải hành khách bằng taxi kéo dài như hiện nay. "Bộ Giao thông vận tải cần có văn bản chỉ đạo giải quyết các tồn đọng của đợt thí điểm theo Quyết định 24", Hiệp hội Taxi TP. HCM đề xuất.

Tin mới lên