Tài chính quốc tế

Ukraine dọa ‘hủy diệt’, Nga lập tức đáp trả

(VNF) - Một quan chức Ukraine cho rằng các lệnh trừng phạt của Ukraine hoàn toàn có khả năng "hủy diệt" nước Nga, giống như với Liên Xô trước đây. Đáp lại, Nghị sĩ Nga Sergey Tsekov khẳng định Ukraine sẽ phải gánh chịu thiệt hại kinh tế nặng nề hơn Nga rất nhiều lần.

Ukraine dọa ‘hủy diệt’, Nga lập tức đáp trả

Thứ trưởng Georgy Tuka phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và luân chuyển nhân sự nội bộ Ukraine.

"Cần gây sức ép lên Nga bằng các đòn trừng phạt mạnh tay hơn. Trước đây, chính các đòn trừng phạt đã khiến Liên Xô bị 'hủy diệt' mà không cần phát đạn nào", RT dẫn phát ngôn của Thứ trưởng Georgy Tuka phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và luân chuyển nhân sự nội bộ Ukraine ngày 28/5.

Trước lời ‘hăm dọa’ của vị quan chức Ukraine, Nghị sĩ Nga Sergey Tsekov, Thành viên Ủy ban về các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), cho rằng nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ không phải là trừng phạt, mà là sự chia rẽ của xã hội.

Ukraine liên tiếp có những động thái đối đầu Nga trong những năm gần đây.

"Các biện pháp trừng phạt đúng là rất tồi tệ, nhưng trong 4 năm qua, chúng tôi đã chứng minh với thế giới rằng Nga hoàn toàn đủ khả năng đương đầu với các đòn trừng phạt. Nước Nga đã vực lại nền kinh tế, và tiếp tục tiến về phía trước", ông Tsekov trả lời phóng viên báo RT.

Nghị sĩ này khẳng định rằng tình hình nước Nga ngày nay không giống như tình hình Liên Xô trước đây, bởi càng nhiều áp lực, thì nội bộ nước Nga càng đoàn kết hơn.

Ông Tsekov cũng cho biết, các lệnh trừng phạt đã khiến nhiều vấn đề nảy sinh, không chỉ với nước Nga mà cả những nước khác, kể cả Ukraine: “Nếu nhìn vào Ukraine trong những năm gần đây, các thiệt hại kinh tế của họ lớn hơn nhiều lần so với tổn thất của Nga”.

Tổng thống Nga tham dự lễ khánh thành cây cầu nối bán đảo Crimea với miền nam nước Nga ngày 15/5.

Tính đến đầu tháng 5, Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 1.228 công ty và 468 công dân Nga, trong đó có các quan chức, chính trị gia, lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà báo...

Mới đây, Hội đồng an ninh quốc phòng Ukraine đã thông qua các biện pháp trừng phạt tương tự các biện pháp của Mỹ, trong đó liệt các tỷ phú và đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào danh sách đen.

Thêm vào đó, nước này cũng đã gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện tại chống lại hàng trăm công ty và thực thể của Nga nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 cũng như hỗ trợ cho cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Theo thông tin từ Hội đồng an ninh quốc phòng Ukraine, các biện pháp trừng phạt mới sẽ có hiệu lực ít nhất 3 năm và bao gồm các hình phạt đối với các nghị sỹ và các quan chức hàng đầu của Nga.

Ukraine đưa ra quyết định này chỉ 3 ngày sau khi Nga khánh thành cây cầu nối đất liền Nga với Crimea.

Kinh tế Nga đã phải đối mặt với không ít những khó khăn trong vài năm qua, như các lệnh trừng phạt quốc tế sau việc Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga, và vai trò của Moscow trong cuộc nổi dậy ủng hộ Nga ở phía đông Ukraine.

Nga đã không nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, khi hỗ trợ cho chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Assad. Ngoài ra, Moscow còn bị nghi ngờ đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu, cũng như bị nước Anh cáo buộc đã đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.

Tuy nhiên, nước Nga dường như đã tìm được cách vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi các lệnh trừng phạt, dòng vốn chảy ra khỏi quốc gia, sự suy giảm của đồng nội tệ và lạm phát tràn lan. Sức khỏe kinh tế Nga đang tốt hơn nhiều so với những năm trước đây. Trong năm 2017, nền kinh tế tăng trưởng khoảng 1,5%.

Theo Tổng thống Putin, Nga đã khá thành công trong nỗ lực theo đuổi vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới. Năm 2017, xuất khẩu thiết bị quân sự của Nga tiếp tục tăng trong 3 năm liên tiếp lên hơn 15 tỷ USD.

Mức độ tín nhiệm của người dân đối với Tổng thống Vladimir Putin dường như không bị ảnh hưởng bất lợi bởi cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, các cuộc thăm dò ý kiến ​​đã cho thấy xếp hạng tín nhiệm của ông khá cao, vào khoảng 80%. Trên thực tế, xếp hạng tín nhiệm của Putin đã tăng lên đáng kể trong năm 2014 sau sự kiện sáp nhập Crimea và vẫn liên tục ở mức cao, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị xảy ra sau đó.

Xem thêm >> Vụ MH17: Bị đòi bồi thường, Nga tuyên bố điều tra dựa vào mạng xã hội

Tin mới lên