Tài chính

VAFI tiếp tục 'vạch lỗi' cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

(VNF) - VAFI nhìn nhận, dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa doanh nghiệp đi xuống và trì trệ, không thể sôi nổi và tích cực như thời Bộ trưởng Hoàng Trung Hải.

VAFI tiếp tục 'vạch lỗi' cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Chiều 19/7, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã tiếp tục có ý kiến đưa ra hàng loạt vấn đề liên quan đến nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, văn bản này sẽ được ông gửi đến lãnh đạo Bộ Công Thương, Vụ Tổ chức Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương để cung cấp thêm các thông tin liên quan đến việc quản lý vốn và tài sản nhà nước dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

"Đây không phải là vạch tội một người mà là rút ra bài học về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Công Thương với lãnh đạo mới cũng phải rút ra được những bài học để không phạm sai lầm như bộ trưởng cũ", ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

"Soi" hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công thương dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong văn bản phát đi ngày 19/7, VAFI cho rằng, hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công thương như Tổng công ty Thép, Tập đoàn Hóa chất,… ở một vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia.

"Mang tiếng là công ty mẹ nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay  bơm vốn, điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái nguyên….?", VAFI bày tỏ băn khoăn.

Trong văn bản phát đi lần này, VAFI tiếp tục truy vấn việc Bộ Công thương dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC quản lý.

Theo VAFI, hơn 10 năm trước, dưới thời nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải quản lý thì sau khi SCIC được Chính phủ thành lập, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ được nhanh chóng bàn giao về cho SCIC quản lý phần vốn nhà nước .

Tuy nhiên VAFI cho rằng, trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì lại làm ngược lại, điển hình tiêu biểu là Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC.

Nhắc đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình bộ máy quản lý của Bộ Công thương cồng kềnh cần phải tái cơ cấu, VAFI băn khoăn: "Tại sao nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC? Một điều chắc chắn rằng việc chậm trễ bàn giao không phải là do Bộ Công thương có khả năng quản lý vốn tốt hơn SCIC?".

VAFI cũng điểm danh nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công Thương mà VAFI cho là "trốn tránh niêm yết", người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài Sabeco, Habeco, VAFI còn "điểm mặt" Vinatex, Petrolimex cùng nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn… không chịu niêm yết.

Trong khi đó, để thúc đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước và niêm yết chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ đã quy định, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.

Đặc biệt, VAFI nhìn nhận, dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa doanh nghiệp đi xuống và  trì trệ, không thể sôi nổi và tích cực như thời Bộ trưởng Hoàng Trung Hải.

Liên quan đến công tác bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công thương quản lý, VAFI đánh giá việc bổ nhiệm này "đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao".

Nhìn vào việc bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT tại 3 doanh nghiệp lớn là Sabeco, Habeco, Vinataba, VAFI cho rằng thành tích quản trị doanh nghiệp của Chủ tịch Habeco, Vinataba "hết sức nghèo nàn", và rằng họ không phải là những người "thành công và đi lên" từ Habeco, Vinataba.

"Họ chưa đáp ứng  được yêu cầu  phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải được đào tạo thủ thách và có nhiều thành tích tại các vị trí đã kinh qua", VAFI đánh giá.

So sánh với cách bổ nhiệm nhân sự chủ chốt tại Vinamilk, Hòa Phát , FPT, Nhựa Bình Minh…, VAFI thấy rằng không bao giờ có cách thức bổ nhiệm như trên. Mọi chức danh chủ chốt phải được đào tạo và rèn luyện, thử thách qua nhiều vị trí khác nhau, từ thấp lên cao. Trong quá trình làm việc, nếu cán bộ lãnh đạo nào không đạt yêu cầu thì phải tự nguyện thôi chức nếu không sẽ bị sa thải và điều chuyển bởi Hội đồng quản trị hay Đại hội cổ đông ;

Tiếp tục truy vấn việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) vào Sabeco, VAFI đặt dấu hỏi điều này có vi phạm luật phòng chống tham nhũng?

Theo VAFI, việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco mang đậm tính vụ lợi và hành vi này bị  nghiêm cấm theo Luật Phòng Chống tham nhũng.

Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 18/7 đã có công văn về ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.

Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo tiếp tục kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương.

Tin mới lên