Diễn đàn VNF

Vào AEC, hãy dự đoán thế cờ của đối phương

(VNF) - Theo lộ trình thì chỉ còn khoảng hai tuần nữa là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015. Sự chuẩn bị của Việt Nam để đón cơ hội này là vấn đề được hầu hết mọi người quan tâm. VietnamFinance trân trọng giới thiệu góc nhìn của Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CEIM) về vấn đề này tại diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015".

Vào AEC, hãy dự đoán thế cờ của đối phương

Ba cấp độ chơi

Tôi muốn dẫn câu chuyện về cách chơi cờ để nói về cách mà hiện nay mọi người hiểu về AEC.

Tôi không lo ngại việc mọi người không hiểu ASEAN là gì mà là cấp độ hiểu. Như việc chơi cờ cũng có 3 cấp độ hiểu. Cấp độ hiểu thứ nhất là cách nhìn con cờ như cách chúng ta liệt kê, nào là ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) có bao nhiêu dòng thuế được giảm ra sao, đầu tư có luật gì, dịch vụ có những luật nào. Đó là cách hiểu chơi cờ theo kiểu đi con mã, con pháo như thế nào. Đa số chúng ta vẫn loay hay ở cách này.

Người chơi cờ ở cấp độ thứ hai họ không bao giờ bàn đến con cờ như thế nào mà họ bàn thế cờ, cách chơi cờ. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều cơ quan, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp đang ở mức giữa đi cờ và chuẩn bị thế cờ.

Còn cách chơi ở cấp độ thứ 3 là dự đoán được nước của đối phương để chơi cái gì còn cách đi con cờ, thế cờ đã ăn vào máu, vào tim người ta rồi, người không bàn đến nữa. Cách chơi sự đoán thế cờ đối phương như này thì ở Việt Nam là vô cùng ít, mà chúng ta lại rất cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn ở cách chơi thứ 3 này.

Tôi giả định rằng tất cả chúng ta đều biết hết cấp độ 1, nhưng từ mức độ ở giữa đi cờ và chuẩn bị thế cờ, chúng ta chuẩn bị cho cái sau, đấy mới là người chơi cờ độc nhất, chơi cờ thực sự.

Tôi muốn nhắc lại một câu trả lời của ông tổ hình học Ơclit, ông tổ của hình học, mà tôi rất tâm đắc. Khi được hỏi: "Hình học là gì?", Ơclit trả lời: "Hình học là cái tôi đang làm, là máu, là thịt, chứ không phải là đường thẳng song song, tứ giác hay tam giác". 

Qua câu chuyện này, tôi rất mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và người dần dân nâng cấp cách hiểu về hội nhập từ cách đi con cò, thế cờ và cách chơi cờ của đối phương.

Vậy AEC là gì?

Tại một hội thảo cách đây 3 tháng, ban tổ chức có đặt tôi một bài phát biểu có tiêu đề "Liệu ASEAN có thành EU?", câu mở đầu của tôi là "Liệu EU có trở thành ASEAN không?". Chúng ta học hỏi lẫn nhau nhưng chúng ta tránh nhận đi theo trong thế giới đầy sáng tạo này. Chúng ta vẫn phải học hỏi từ các nước nhưng cách nói của chúng ta dường như phải đi theo, đấy là một tư duy sai lầm.

AEC là một hình mẫu liên kết của các nước đang phát triển. Trên thế giới, chưa có một hình mẫu liên kết nào của các nước đang phát triển rõ ràng như ASEAN. Hình mẫu có thành công hay không còn chưa biết nhưng hình mẫu có những đặc trưng rất ASEAN. 

Cái thứ nhất, mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN là thịnh vượng và thu hẹp khoảng cách trong khi EU không nhấn mạnh mục tiêu thu hẹp khoảng cách. AEC không thành công nếu không thu hẹp được khoảng cách. Cái thứ 2, ASEAN giống tất cả FTA vì có tự do hóa nhưng cái tự do hóa của ASEAN không chỉ là tự do thương mại, dịch vụ, đầu tư mà ta nhấn mạnh thị trường thống nhất. 

Và nếu như TPP cơ bản là luật chơi thì AEC là kết nối, bỏ kết nối không phải là AEC, đó kết nối con người – con người, thế chế - thể chế. Không có kết nối ASEAN, Trung Quốc chưa chắc đã có ý tưởng "con đường tơ lụa", chưa chắc đã ra đời Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), chưa chắc Nhật đã tuyên bố dành 110 tỷ USD tiếp tục cho ASEAN. Và đằng sau kết nối ấy là làm ăn, hàng trăm dự án, hàng trăm tỷ đô la sẽ ra đời.

Một đặc trưng quan trọng của AEC đó là một ASEAN rất mở. Nếu nói đến ASEAN mà chỉ nghĩ tới ASEAN là không đúng. Nếu anh muốn có một thế chơi cờ thì đã đặt ASEAN, thì phải đặt cả thế giới bên cạnh. ASEAN giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thiết chế ở khu vực là vai trò trung tâm, mất vai trò trung tâm này, thì không còn vai trò của ASEAN. Thành công hay không rất phụ thuộc vào thể chế của ASEAN, ASEAN đang nỗ lực để tăng cường thể chế này, nó là liên kết các quốc gia bình đẳng.

Làm ăn, kiếm tiền ở đâu?

Một điều đáng tiếc của ASEAN là cái chúng ta có lợi thế so sánh thì các nước khác trong khu vực cũng có lợi thế đó. Đó là nguyên nhân việc sử dụng ưu đãi thuế xuất khẩu (0%) của các doanh nghiệp Việt Nam vào ASEAN là rất thấp. Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN trong tổng xuất khẩu hiện nay đã giảm từ 17% - 18% xuống còn 12%.

Tuy nhiên, ASEAN vẫn là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên người Nhật tới bất kì hội thảo nào như với Trung Quốc hay Mỹ đều đặt vấn đề ASEAN. Người Nhật đầu tư vào mối quan hệ với ASEAN không chỉ để hưởng lợi để chơi với Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, EU.

Việt Nam chưa có nhiều lợi thế lắm trong thương mại do tính tương đồng nhưng ASEAN vẫn là nơi đầu tư hấp dẫn nhất nếu các doanh nghiệp biết cách tận dụng cơ hội và nhìn ASEAN như một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, nơi đầu tư hấp dẫn nhất của FPT là Singapore. Nơi đầu tư hấp dẫn nhất của Viettel ở Lào, Campuchia.

Hơn nữa, ASEAN là sân chơi không phải chỉ có lợi ích kinh doanh, mà còn là lợi ích từ hợp tác với rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn chúng ta làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, sáng tạo hơn, khả năng chống chịu hơn.

Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, đây là một chân trời vô tận cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kể cả các cá nhân, bởi bên cạnh các xu thế tập đoàn, ASEAN đang có xu thế kinh doanh cá thể hóa, rất phù hợp với Việt Nam.

Việt Nam hiện nay đang đi trước hội nhập, tất cả các đối tác, các thị trường lớn nhất trên thế giới đều có mặt trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết. Trừ Singapore, không có nước nào ở ASEAN đạt được điều đó. Trong thời gian tới, Thái Lan, Philippines, Indonesia có khả năng sẽ tham gia TPP, Hiệp định thương mại tự do EU - ASEAN cũng sẽ đàm phán lại thì lợi thế của Việt Nam sẽ còn rất ít.

Vì vậy, đây sẽ là một cơ hội "trời cho" để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này thì 5-7 năm nữa, chúng ta sẽ mất lợi thế và sẽ mãi mãi khác biệt với thế giới.

Đã đến lúc cả Chính phủ và doanh nghiệp phải chuyển sang cách chơi thế cờ và nghiên cứu thế cờ của đối tác thì mới có thể tận dụng tốt cơ hội và thắng được trên sân chơi hội nhập.

Tin mới lên