Tài chính

VCSC lên sàn: Bay trên đôi cánh nào?

(VNF) – Bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn, VCSC sẽ bay trên "đôi cánh" nào?

VCSC lên sàn: Bay trên đôi cánh nào?

VCSC sẽ chính thức lên sàn HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 48.000 đồng/cổ phiếu

Đổi cán cân quyền lực

Sau nhiều chờ đợi, ngày 7/7, 103,2 triệu cổ phiếu VCI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sẽ chính thức lên sàn HoSE. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của mỗi cổ phiếu VCI là 48.000 đồng, và với kịch bản lạc quan nhất, có thể tăng lên 57.600 đồng/cổ phiếu chỉ sau 1 ngày giao dịch.

Với giá trị vốn hóa ngay thời điểm lên sàn đạt 4.953,6 tỷ đồng, cổ phiếu VCI của VCSC sẽ cùng với cổ phiếu SSI của SSI và cổ phiếu HCM của HSC tạo thành thế "kiềng ba chân" trong nhóm các cổ phiếu niêm yết ngành chứng khoán, thêm sức mạnh cho nhóm này trước bối cảnh thị trường chứng khoán đang trên đà đi lên.

Trước khi lên sàn, tại VCSC đã diễn ra một cuộc tái cơ cấu quyền lực với nhiều điểm nhấn. Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Thanh Phượng, người dày công gây dựng thương hiệu Bản Việt nói chung và VCSC nói riêng từ năm 2007, đã bất ngờ giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty chứng khoán này xuống còn 4,84%, đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền cổ đông lớn.

Dù bất ngờ, nhưng động thái này của bà Nguyễn Thanh Phượng không lạ. Suốt thời kỳ từ lúc thành lập với tổng sở hữu trên 17% (trực tiếp 12% và gián tiếp 5% thông qua Công ty Quản lý quỹ Bản Việt), bà Nguyễn Thanh Phượng đã liên tục tái cơ cấu sở hữu tại VCSC.

Đến năm 2015, sau khi Ngân hàng TMCP Bản Việt chính thức bán toàn bộ 7% cổ phần tại VCSC, bà Phượng chỉ còn nắm giữ 8,97% cổ phần. Và nay đã giảm sở hữu xuống dưới 5%.

Thực tế hiện nay, dù đứng cương vị Chủ tịch HĐQT VCSC nhưng bà Nguyễn Thanh Phượng và cả chồng bà là ông Nguyễn Bảo Hoàng đều là thành viên HĐQT không điều hành của VCSC. Nhân vật trung tâm tại VCSC hiện giờ được nhường cho ông Tô Hải – Tổng giám đốc VCSC, cũng là thành viên sáng lập VCSC cùng với bà Nguyễn Thanh Phượng.

Bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Tô Hải

Cán cân quyền lực tại VCSC nghiêng dần từ phía bà Nguyễn Thanh Phượng sang phía ông Tô Hải

Hơn một tháng trước khi lên sàn, ông Tô Hải đã nhận chuyển nhượng 13 triệu cổ phiếu từ vợ là bà Trương Nguyễn Thiên Kim, qua đó nâng sở hữu tại VCSC lên 22,24%, từ mức 9,64% trước đó.

Ngay khi lên sàn, vị CEO – cũng là cổ đông lớn duy nhất của VCSC này sẽ sở hữu khối tài sản trên 1.100 tỷ đồng, lọt top 30 doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.

Dù VCSC hiện nay đã lớn mạnh, nhân vật trung tâm cũng đã được nhường cho Tổng giám đốc Tô Hải nhưng việc bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn của VCSC cũng tạo ra khoảng trống lớn, bởi trong con mắt giới đầu tư, thương hiệu VCSC từ khi thành lập đến nay đã gắn liền với "đôi cánh" của bà Nguyễn Thanh Phượng.

Bay trên "đôi cánh" IB?

Biến động trong cán cân quyền lực xem như đã khép lại trước ngày VCSC lên sàn. Điều mà giới đầu tư quan tâm hiện giờ là triển vọng lợi nhuận của công ty chứng khoán này.

Tại buổi họp báo công bố niêm yết cổ phiếu mới đây, ông Đinh Quang Hoàn, Phó Tổng giám đốc VCSC cho biết, nửa đầu năm 2017, lợi nhuận của VCSC đã hoàn thành 60% kế hoạch năm và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Với tình hình này, lợi nhuận năm 2017 của VCSC nhiều khả năng sẽ tiếp tục lớn hơn đối thủ HSC, và chỉ chịu thua SSI nếu xét trong nhóm các công ty chứng khoán niêm yết.

"Không chỉ là câu chuyện cổ phiếu, nhà đầu tư còn đang mua một công ty có nguồn lợi nhuận lớn từ hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) thay vì cho vay margin. Ở nước ngoài, các công ty có lợi nhuận lớn từ IB thường được định giá PE ở mức 22 - 25 lần, cao hơn các công ty có lợi nhuận từ cho vay margin", ông Rory McAllister, trưởng phòng môi giới khách hàng tổ chức của VCSC chia sẻ.

Năm 2017, PE của VCSC dự kiến khoảng 12,3 lần, nghĩa là nếu theo khuyến nghị của đại diện VCSC, giá thực của cổ phiếu VCSC có thể gấp đôi hiện tại.

Có thể thấy một vấn đề khá rõ ràng, xuyên suốt, không chỉ trong lời phát biểu của ông Rory McAllister, mà cả trong các tài liệu giới thiệu của VCSC, đó là sự tự hào của công ty chứng khoán này về hoạt động IB và cùng với đó, rất nhiều nhấn mạnh rằng IB là thế mạnh lớn nhất của VCSC trong ngành chứng khoán, thậm chí là tương lai của doanh nghiệp này.

VCSC

Mảng IB của VCSC có đủ mạnh để thành "đôi cánh" cho VCSC?

Năm 2016 có thể xem là một năm thành công của VCSC trong hoạt động IB. Rất nhiều thương vụ đình đám mà VCSC thực hiện có thể kể ra, như thương vụ siêu thị Big C chuyển nhượng cho Central Group giá 1,1 tỷ Euro, thương vụ F&N mua 78,3 triệu cổ phiếu Vinamilk từ SCIC, thương vụ IPO Vietjet Air, tư vấn bán cổ phần Novaland, tư vấn bán 30% cổ phần ANCO cho Masan Nutri-Science.

Nhiều thương vụ đình đám như vậy, thế nhưng, lợi nhuận gộp của mảng IB trong năm 2016 chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng lợi nhuận gộp của VCSC, đạt 46 tỷ đồng. Lượng lợi nhuận còn lại đến từ mảng Đầu tư chứng khoán (187,6 tỷ đồng), Dịch vụ môi giới chứng khoán (160,6 tỷ đồng) và Lãi từ các khoản cho vay và phải thu (108,6 tỷ đồng).

Cùng với đó, VCSC vẫn chưa thể ổn định được mảng kinh doanh này. Nếu như năm 2014, hoạt động IB đem về cho VCSC 89,8 tỷ đồng doanh thu thì sang năm 2015, con số này giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn 28,3 tỷ đồng. Sang năm 2016, doanh thu lại tăng lên mức 72,8 tỷ đồng.

Thống kê để thấy, mảng IB còn khá xa mới có thể trở thành "đôi cánh" của VCSC, ngay cả khi tuyên bố tăng trưởng lợi nhuận mảng IB trong vòng 3-5 năm tới đạt 30%/năm của lãnh đạo VCSC trở thành sự thật.

Triển vọng lợi nhuận của VCSC, theo đó, quan trọng vẫn là nằm ở mảng tự doanh và môi giới. Mảng IB, dù luôn được VCSC nhắc đến như là thế mạnh vượt trội, thậm chí được nhắc đến như một căn cứ quan trọng có thể đưa giá trị cổ phiếu tăng gấp đôi, vẫn "đuối" hơn nhiều so với các mảng kinh doanh truyền thống.

Tin mới lên