Tài chính quốc tế

Venezuela là 'mối nguy hiểm' đối với thị trường dầu mỏ

(VNF) - Venezuela, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất Mỹ Latinh sẽ là chất xúc tác chính quyết định giá dầu.

Venezuela là 'mối nguy hiểm' đối với thị trường dầu mỏ

Venezuela là mối nguy hiểm đối với thị trường dầu mỏ

Helima Croft, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết trong một báo cáo gần đây: "Chúng tôi khẳng định rằng, nếu thị trường dầu mỏ vẫn tiếp tục thắt chặt nguồn cung trong năm 2018, bất kỳ sự gián đoạn tiềm tàng nào về mặt địa chính trị sẽ có tác động lớn hơn nhiều so với những năm trước".

Bà nói thêm: "Mối nguy hiểm hiện tại rõ ràng là Venezuela".

Mặc dù Venezuela tự hào về trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, sản lượng dầu thô nước này đang sụt giảm nhanh chóng do khủng hoảng kinh tế - kết quả sau nhiều năm quản lý yếu kém của chính phủ và càng trầm trọng thêm do sự sụt giảm giá dầu kéo dài.

Sản lượng dầu mỏ nước này đã tụt xuống mức thấp nhất gần ba thập niên qua, ngoại trừ giai đoạn năm 2002-2003. Theo S&P Global Platts, Thủ đô Caracas đã bơm được 1,7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 12.

Các nhà phân cho rằng tình hình sản lượng dầu mỏ sẽ tiếp tục xấu đi trong suốt năm 2018, với RBC Capital Markets dự kiến ​​giảm ít nhất 700.000 đến 800.000 thùng/ngày trong năm nay.

Croft cho biết: "Trong bối cảnh ảm đạm này, cuộc bầu cử vào tháng 4 có thể sẽ là chất xúc tác cho các cuộc xung đột dân sự và các biện pháp trừng phạt kinh tế. Điều này sẽ càng làm ‘xói mòn’ thêm sản lượng dầu mỏ vốn đã giảm không phanh".

Tháng trước, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, mà Hoa Kỳ gọi là "kẻ độc tài", cho biết ông đã sẵn sàng cho một nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trước ngày 30 tháng 4.

Động thái này được các nhà quan sát đánh giá là một nỗ lực của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela nhằm lợi dụng tình thế hỗn loạn hiện tại để tăng cường vị trí của mình trong chính phủ trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng hơn.

Venezuela đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng siêu lạm phát, sẽ đạt mức 1.400% trong năm 2018, theo ước tính của đảng đối lập Venezuela. Điều này đã đặt toàn bộ nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này, bao gồm cả ngành công nghiệp dầu mỏ quốc doanh chiếm phần lớn nguồn thu xuất khẩu vào tình thế nguy hiểm.

Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt

Sự sụt giảm trong sản lượng dầu cũng làm trầm trọng thêm tình hình hỗn loạn của Venezuela. Khoảng 30 triệu công dân nước này vẫn tiếp tục thiếu lương thực và các loại thuốc cơ bản.

Phát biểu với các phóng viên ở Argentina hôm Chủ Nhật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết lệnh cấm nhập khẩu dầu hoặc các sản phẩm dầu tinh chế từ Venezuela đang được thảo luận.

Các biện pháp trừng phạt dầu mỏ được xem là một trong số ít các lựa chọn mà Tổng thống Donald Trump có để thực sự làm tổn thương chính phủ của ông Maduro.

Tillerson cho biết chính quyền Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét tác động của các biện pháp trừng phạt dầu đối với công dân Venezuela.

Dầu Brent giao dịch ở mức 66,80 USD/thùng vào chiều thứ Tư, giảm 0,1%, trong khi dầu thô của Mỹ ở mức 63,05 USD, giảm 0,5%.

Tin mới lên