Tiêu điểm

VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 đạt tới 6,83%

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, nhiều khả năng tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam năm nay đạt 6,83%, vượt mục tiêu của Quốc hội.

Hai kịch bản kinh tế

PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo, năm 2018 nhiều khả năng tăng trưởng GDP đạt tới 6,83%, vượt mục tiêu của Quốc hội. Với kịch bản này, lạm phát năm 2018 cũng không còn thấp như năm 2017, mà có thể ở mức 4,2%, cao hơn mục tiêu đề ra là 4%.

Năm 2018 được kỳ vọng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên cơ sở nền tảng tăng trưởng khá của những năm trước. (Ảnh minh họa)

Trong báo cáo kinh tế thường niên vừa công bố, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành và GS. Ohno Kenichi - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) có chung nhận định rằng, mức tăng trưởng năm 2018 có được nhờ quán tính tăng trưởng của năm trước, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế thế giới, với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và khu vực ASEAN, dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2017, cũng sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.

TS. Thành cho hay, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát lớn trong năm nay.

Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng đưa ra kịch bản thứ hai đối với kinh tế Việt Nam năm 2018: Với điều kiện thận trọng hơn của kinh tế thế giới và nội địa, tăng trưởng sẽ ở mức 6,49% (đạt xấp xỉ mục tiêu mà Quốc hội đề ra). Trong kịch bản thứ hai này, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 3,86%.


TS. Nguyễn Đức Thành

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành lưu ý, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU cùng với xu hướng tăng giá năng lượng có thể làm cho đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá so với USD và Euro; đẩy giá hàng hoá nhập khẩu lên, góp phần gây áp lực cho lạm phát. Mặc dù vậy, việc đồng Việt Nam mất giá so với USD và Euro cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.

Trong số những hàm ý chính sách mà nhóm nghiên cứu của VEPR đưa ra, bên cạnh những khuyến nghị quen thuộc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy hội nhập sâu hơn và tận dụng tối đa các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại…, các giải pháp về năng suất, lao động, việc làm được đặc biệt lưu ý.

Các chuyên gia của VEPR nhấn mạnh tới đổi mới giáo dục đào tạo nhằm giúp cho người lao động có được kiến thức và kỹ năng cần thiết, phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội hiện đại; hỗ trợ người lao động tìm việc; và tích cực hơn trong các cam kết liên quan đến di chuyển lao động có tay nghề, trình độ cao...

Trên phương diện so sánh quốc tế, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia). Kết quả cho thấy, NSLĐ của nhiều nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi là dẫn dắt cho nền kinh tế, có đóng góp cho xuất khẩu cao nhưng NSLĐ chưa cao. Trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

Đáng chú ý, NSLĐ của Việt Nam ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi (logistics)... hiện thấp nhất trong các nước kể trên, nhóm nghiên cứu của VEPR chỉ rõ.

NSLĐ của Việt Nam ở các ngành nông nghiệp, điện nước và khí đốt, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa hiện xếp gần cuối trong ASEAN, chỉ cao hơn Campuchia. Trong khi đó, NSLĐ của Việt Nam ở các ngành có giá trị gia tăng thấp như khai mỏ, khai khoáng, bất động sản, dịch vụ tài chính... lại cao hơn một số nước trong khu vực. Theo đánh giá của VEPR, điều này cho thấy cơ cấu kinh tế chưa được chuyển dịch, nguồn lực đầu tư đang được chuyển dịch nhiều vào các ngành, lĩnh vực cũ, có giá trị gia tăng thấp.

Các chuyên gia của VEPR khuyến cáo, để cải thiện NSLĐ, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động.

Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng vào đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.


TS. Nguyễn Thị Lan Hương

PGS, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, để nâng cao NSLĐ cần có quy hoạch cụ thể và giá đỡ trong chuyển dịch lao động. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng NSLĐ.

Theo bà Hương, lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở NSLĐ. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Vì thế, đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn.

Tin mới lên