Ngân hàng

Vì sao chưa giảm lãi suất?

(VNF) – Giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân đang gặp phải những rào cản nào?

Vì sao chưa giảm lãi suất?

Lợi ích của các ngân hàng thương mại đang là rào cản lớn trong việc giảm lãi suất

Tăng trưởng chậm, lạm phát thấp

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay là chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.

"Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%", Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

Trước tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất một số giải pháp ngắn hạn lên Quốc hội, trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng sản lượng khai thác dầu thô và nhanh chóng đưa vào vận hành lò cao số 1 của Formosa. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 sẽ cho công suất là 3,5 triệu tấn thép/năm, đóng góp khoảng 0,16 điểm % trong tăng trưởng GDP.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rõ ràng đang là vấn đề quan trọng hiện nay.

Trong một báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế mà cơ quan này kiến nghị là nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát.

Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay là chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính đạt 5,1%, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giảm lãi suất từ lâu đã được coi là cách thức rất hữu hiệu, tác động lớn, lan tỏa và phù hợp trong điều hành chính sách, xét trên cả khía cạnh thực tế lẫn lý thuyết kinh tế học. Bản thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm đã nhiều lần khẳng định mục tiêu giảm lãi suất nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Vậy điều gì còn băn khoăn?

Lạm phát là yếu tố đáng chú ý, bởi việc giảm lãi suất luôn đi kèm với nguy cơ tăng lạm phát. Đây cũng là lý do mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phải gắn kèm cụm từ "phù hợp với diễn biến lạm phát" trong kiến nghị giảm lãi suất.

Nhìn lại diễn biến lạm phát 4 tháng đầu năm 2017 với mức tăng CPI thấp, chỉ 0,9%, tương đối rộng cửa để Chính phủ hoàn thành mục tiêu CPI cả năm tăng 4%, cho thấy lạm phát không phải là vấn đề quá lớn trong việc giảm lãi suất, thậm chí, lạm phát thấp đang là thời cơ. Tất nhiên giảm lãi suất vẫn sẽ gây áp lực lên việc hoàn thành chỉ tiêu lạm phát, nhưng đổi lại lại thúc đẩy tăng trưởng GDP – một yêu cầu cấp bách hơn.

Vậy còn điều gì mà NHNN thực sự băn khoăn trong việc giảm lãi suất?

Vì sao chưa giảm?

Rào cản đầu tiên trong việc giảm lãi suất phải kể đến là lợi ích của các ngân hàng thương mại (NHTM). Giảm lãi suất, dù cho NHNN có hỗ trợ bơm tiền để các NHTM giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay, thì dù ít dù nhiều vẫn khiến lợi nhuận của NHTM giảm. Với tư cách là một doanh nghiệp, không NHTM nào mong muốn giảm lợi nhuận.

Thứ hai là áp lực về vốn đáp ứng chuẩn Basel II. Giảm lãi suất, kéo theo đó là giảm lợi nhuận sẽ khiến kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng không được đảm bảo. Hiện nay, ngay cả với các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh cao, dư địa giảm lãi suất lớn, điển hình nhất là Vietcombank, cũng đang gặp khó khăn trong tiến trình tăng vốn, đặc biệt là tăng vốn cấp 1 để đáp ứng chuẩn Basel II, chứ chưa nói đến các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Thứ ba là vấn đề nợ xấu. Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận xét, nợ xấu chưa được xử lý triệt để tiếp tục là rào cản lớn cho hạ mặt bằng lãi suất. Một mặt, hạ lãi suất khiến lợi nhuận NHTM giảm sẽ làm hụt nguồn tài chính bù đắp tổn thất từ nợ xấu. Mặt khác, nhiều NHTM hiện vẫn có nhu cầu huy động vốn lớn để dùng làm "vốn đệm" cho nợ xấu chưa trích lập dự phòng đủ, nợ xấu tiềm ẩn, là rào cản trong việc giảm lãi suất huy động.

Rào cản giảm lãi suất

Đang có nhiều rào cản từ phía các NHTM trong việc giảm lãi suất

Một góc nhìn tương tự về việc các NHTM Việt Nam gặp khó trong tăng vốn cấp 1 cũng như đảm bảo vốn tài trợ cho nợ xấu cũng được hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s chỉ ra. Báo cáo mới đây của Moody’s ước tính, toàn bộ hệ thống ngân hàng bị thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, tương đương 4,6% GDP.

Moody’s định nghĩa khoản hụt vốn này là lượng vốn bên ngoài ngân hàng cần để đưa các tỷ lệ vốn cấp 1 về mức 8% sau khi các ngân hàng sử dụng nguồn dự phòng cho lỗ và nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng cho tất cả lượng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Ngoài ra, sự yếu thế của nhóm các NHTM nhỏ khi giảm lãi suất cũng là rào cản đáng chú ý.

Các ngân hàng quy mô nhỏ, ngoài việc yếu thế trong huy động vốn từ dân cư khiến lãi suất huy động vốn bao giờ cũng cao hơn các ngân hàng lớn, còn yếu thế ở cả việc huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng (do quy định giới hạn huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng) và các thị trường khác mà NHNN hay tiến hành bơm vốn hỗ trợ, như thị trường mở, bởi các ngân hàng này nắm giữ ít giấy tờ có giá.

Bên cạnh rào cản đến từ phía NHTM, vẫn còn có một rào cản rất quan trọng đó là vấn đề hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong một báo cáo mới đây cũng đã đặt vấn đề phải xem xét lại khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Điều này được đặt ra là bởi đang có một diễn biến khá nghịch lý khi tăng trưởng tín dụng khá cao, trong khi GDP lại tăng thấp, nguyên nhân chính được cho là do doanh nghiệp hấp thụ vốn kém, hiệu quả sử dụng vốn thấp, khiến GDP không tăng tương xứng với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp thấp nên việc các ngân hàng khó lòng hạ lãi suất là điều dễ hiểu, bởi rủi ro trả nợ cao hơn.

Tuy vậy, lật ngược lại vấn đề, việc lãi suất duy trì ở mức cao trong nhiều năm cũng là nguyên nhân khiến khả năng hấp thụ vốn, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của doanh nghiệp trở lên kém cỏi, bởi doanh nghiệp phải chịu gánh nặng nợ, lãi lớn, hàng hóa cũng bị giảm khả năng cạnh tranh so với hàng ngoại, cả ở thị trường nội địa lẫn nước ngoài.

Ngày 17/5 tới đây cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp", cho thấy doanh nghiệp đang được Chính phủ chú trọng thúc đẩy như thế nào. Hội nghị Trung ương 5 vừa bế mạc mới đây cũng đã kết luận, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, càng cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của việc tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Giảm lãi suất, theo đó, như việc cần phải làm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, cũng như thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân nói riêng.

Tin mới lên