Tiêu điểm

Vì sao Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long phải vay tới 22,5 nghìn tỷ đồng chỉ trong hai quý 2018?

Cùng với con số doanh thu, lợi nhuận khá lạc quan là số lượng hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao, dòng tiền đầu tư âm hàng nghìn tỷ do chi "khủng" cho hoạt động mua sắm, xây dựng. Đây có thể là nguyên nhân khiến Hòa Phát phải đi vay 22,5 nghìn tỷ đồng chỉ trong hai quý 2018 để cân đối ngân sách.

Vì sao Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long phải vay tới 22,5 nghìn tỷ đồng chỉ trong hai quý 2018?

Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

6 tháng đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) là một trong những doanh nghiệp đầu ngành thép báo lãi lớn với 14.430 tỷ doanh thu và 2.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 34% và 43% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, Hòa Phát đạt doanh thu 27.595 tỷ đồng, tăng 30%, lãi sau thuế 4.425 tỷ đồng, tăng 27% so với nửa đầu năm 2017.

Tuy nhiên, cùng với con số doanh thu, lợi nhuận lạc quan là hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản ngắn hạn. Thời điểm 30/6, hàng tồn kho của Hòa Phát lên đến 12,9 tỷ đồng, chiếm gần 40% tài sản ngắn hạn

Bảng cân đối kế toán của Tập đoàn Hòa Phát đến quý II/2018. Nguồn: Stockbiz

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý II/2018 của Hòa Phát cho thấy, dòng tiền lưu chuyển từ các hoạt động đầu tư của Hòa Phát âm tới 6,5 nghìn tỷ do chi "khủng" cho hoạt động mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn lên tới 9,2 nghìn tỷ đồng.

Trích báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của Tập đoàn Hòa Phát

Đây có thể là nguyên nhân khiến Hòa Phát phải đi vay 22,5 nghìn tỷ đồng chỉ riêng trong quý II/2018 cân đối ngân sách.

Trích báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của Tập đoàn Hòa Phát

Hết quý II/2018, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 36,6 nghìn tỷ đồng trong khi nợ vay đã chạm ngưỡng 25,5 nghìn tỷ đồng. Việc đầu tư chưa hiệu quả thể hiện ở con số 13,4 nghìn tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn (dự án treo, công trình chậm tiến độ...).

Trong bối cảnh ngành thép xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh lớn như Hoa Sen, Thép Nam Kim, theo Pomina, Formosa, thép Thái Nguyên,... việc đầu tư nhà máy, trang thiết bị sản xuất đòi hỏi nhiều chi phí thì tỷ suất lãi không cao cũng là điều dễ hiểu. Tỷ suất suất lợi nhuận ròng sau thuế trên doanh thu của Hòa Phát ở mức thấp chỉ khoảng 15% (2.200 tỷ đồng/14.430 tỷ đồng). 

Từng khuyên cổ đông "không nên bỏ trứng vào một giỏ", tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng áp dụng triết lý đầu tư này khi bắt đầu lấn sân sang ngành nghề khác là nông nghiệp và sản xuất thức ăn chăn nuôi bắt đầu từ năm 2015.

Từ tháng 3/2015, Hòa Phát đã chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc thành lập Công ty TNHH MTV Thương Mại & Sản xuất Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát (quản lý bởi Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Hòa Phát với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng).

Được biết, Hòa Phát đã dùng 3 triệu cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long để đảm bảo cho Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Thành Công với hạn mức vay là 600 tỷ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá trị tài sản đảm bảo là 60 tỷ đồng.

Trong năm 2015, Hòa Phát ghi nhận có 4 công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp là Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Lạc Thủy Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang và Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Lạng Sơn.

Trong năm đầu lấn sân sang mảng nông nghiệp, Hòa Phát ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 46,2 tỷ đồng.

Sau 3 năm, mặc dù tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế mảng nông nghiệp của Hòa Phát đóng góp lần lượt là 6% và 1% trong năm 2017 nhưng cũng đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng doanh thu mảng nông nghiệp đạt 3.073 tỷ đồng, tăng 70,7% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 47,4 tỷ đồng, tăng 70,5% so với năm 2016.

Quý I/2018, doanh thu từ mảng này vẫn đóng góp 6%, đạt 836,2 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với quý I/2017.

Cơ cấu mảng nông nghiệp mà Hòa Phát đang theo đuổi bao gồm: Chăn nuôi heo, gà và thức ăn gia súc. Hòa Phát đã đầu tư 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi đặt tại Hưng Yên và Đồng Nai với công suất lên đến 300.000 tấn/năm.

Sau 3 năm triển khai, doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát chiếm 6% tổng doanh thu của toàn tập đoàn. Ảnh: Hòa Phát

Về chăn nuôi gà đẻ trứng, nguồn cung của Tập đoàn đến từ 2 trại gà đẻ thương phẩm tại Đồng Nai và Phú Thọ với quy mô 600.000 con gà mái đẻ/năm. Năm 2018, Hòa Phát dự kiến đạt sản lượng 20 triệu trứng gà thương phẩm.

Ở mảng chăn nuôi heo, từ năm 2016, Công ty Chăn nuôi Phước Hòa, công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, đã triển khai dự án trại nuôi heo lớn tại địa phận xã Minh Đức, Bình Phước. Giữa năm 2017, Hòa Phát đã tung sản phẩm thịt heo 2 máu ra thị trường.

Trong khi đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi trong năm 2018 dự kiến tăng 30% so với năm 2017. Hòa Phát đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 75.000 bò thịt/năm và 300 triệu trứng gà sạch/năm.

Chia sẻ với cổ đông, ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, cho biết doanh nghiệp vẫn sẽ đảm bảo lộ trình xây dựng nông nghiệp quy mô lớn và công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Bức tranh tái cấu trúc ngành chăn nuôi cũng như ngành nông nghiệp tại Việt Nam đã trở nên rõ nét hơn, và những doanh nghiệp nào trường vốn, có tiềm lực tài chính sẽ giữ vững được vị thế của mình. Đó là lý do Hòa Phát vẫn tiếp tục nuôi dưỡng lĩnh vực nông nghiệp, với mục tiêu phát triển xa hơn trong tương lai”, ông Long cho biết.

Xem thêm: Hòa Phát, Thế Giới Di Động bị chấm 0 điểm về công khai thông tin phòng chống tham nhũng

Tin mới lên