Bất động sản

Vì sao nhiều đại gia vẫn lao vào bất động sản?

(VNF) - Mặc dù thị trường đang cho thấy những dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, song vẫn có không ít "tay chơi" nhảy vào bất động sản.

Vì sao nhiều đại gia vẫn lao vào bất động sản?

Tận dụng sườn tăng trưởng còn lại,hàng loạt doanh nghiệp đang đua nhau nhảy vào thị trường bất động sản

Thị trường giảm tốc

Hai quý đầu năm 2016, thị trường bất động sản ghi nhận đà tăng trưởng khá, thể hiện ở mức giao dịch tương đối ổn định, giá nhà tăng và các dự án vẫn liên tiếp bung hàng.

Tuy nhiên bước sang quý 3, thị trường đang có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn các nguy cơ bất ổn. Một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất của nguy cơ đó là sự phát triển lệch pha sang phân khúc bất động sản cao cấp, thiếu vắng các sản phẩm căn hộ giá rẻ và trung bình, phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của đa số người mua nhà hiện nay.

Cùng với đó là tình trạng gia tăng về số lượng của các nhà đầu tư thứ cấp, mua đi bán lại để ăn chênh lệch giá. Sự nở rộ của các nhà đầu tư này không chỉ đẩy giá nhà lên cao mà còn khiến giao dịch không đạt được thực chất: lượng bán căn hộ vẫn tăng nhưng người có nhu cầu thực vẫn chưa được sở hữu nhà.

Ngoài ra, với nguồn cung hết sức dồi dào, trong khi tỉ lệ hấp thụ lại giảm, áp lực giảm giá căn hộ là điều khó tránh khỏi.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoRea) nhận xét, thị trường đã ấm dần lên từ năm 2013, đạt đến đỉnh cao vào năm 2015, và bắt đầu giảm tốc từ đầu năm 2016. Dù giao dịch cuối năm sẽ nhỉnh hơn đầu năm, nhưng nhìn toàn cục cả năm 2016, thị trường có xu thế vẫn ở trong trạng thái chững lại và tiềm ẩn các yếu tố gây bất ổn.

Đặc biệt, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước nhằm siết lại tín dụng cho bất động sản đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ đối với các chủ đầu tư và được dự báo sẽ tạo ra bước ngoặt làm biến đổi thị trường.

Nhà đầu tư vẫn lao vào

Tuy vậy, thị trường bất động sản hiện tại vẫn đón nhận sự vào cuộc của không ít "tay chơi" mới. Chẳng hạn như Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC với dự án khu căn hộ hạng sang Atermis Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), Alphanam với Tổ hợp khách sạn, căn hộ Four Points by Sheraton & Luxury Apartment (TP. Đà Nẵng) Tập đoàn Đồng Lực với dự án Hanoi Aqua Central (44 Yên Phụ, Hà Nội), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận với dự án Xi Grand Court (Quận 10, TP. HCM)…

Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận hoạt động nhộn nhịp của các "ông bầu" với những thương vụ nghìn tỷ đình đám. Như hồi đầu năm, "bầu Thụy" vung 1000 tỷ mua khách sạn Kim Liên, sau đó bắt tay với Tập đoàn Hyatt đầu tư 165 triệu USD để cùng phát triển dự án khách sạn 5 sao. Ngoài ra ông chủ của ThaiGroup còn bơm "tiền tấn" vào khu nghỉ dưỡng xa xỉ Enclave ở khu bãi Thơm phía tây đảo Phú Quốc.

Không chịu kém cạnh, trung tuần tháng 7 năm nay, "bầu Hiển" trình làng dự án T&T Riverview (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) với 600 căn hộ, trước khi rục rịch với các dự án mới ở 120 Định Công (Hoàng Mai) và 273 Tây Sơn (Đống Đa) dự kiến khởi công trong năm nay.

Sự sôi động của cuộc chơi không chỉ lôi cuốn các doanh nghiệp địa ốc mà còn kéo cả các doanh nghiệp ngoại biên "rẽ ngang" vào bất động sản.

Có thể kể đến đến Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) – doanh nghiệp chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng – đã chi 400 tỷ đồng thâu tóm đất vàng nhà máy Cao su Sao Vàng (Nguyễn Trãi, Hà Nội), để thực hiện dự án trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp.

Hay Đức Long Group (Gia Lai), một doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp, năng lượng, điện tử, cũng đã bắt đầu lấn sân sang đầu tư bất động sản TP HCM bằng 5 dự án cho phân khúc trung bình khá. Hiện doanh nghiêp này đã có 3 dự án khởi công với 2.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Hai dự án còn lại đang tiến hành hoàn thiện thủ tục pháp lý và sẽ tiến hành khởi công vào năm 2017.

Tập đoàn Hoa Sen từng tuyên bố rút lui khỏi thị trường để tập trung cho ngành thép, tuy nhiên vào tháng 5/2016, tập đoàn này đã khởi công Dự án Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, ông chủ Lê Phước Vũ còn dốc vốn lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn để theo đuổi các dự án nghìn tỷ ở Quy Nhơn, Bình Định.

Tận dụng sườn tăng trưởng

Lý giải cho tình trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoRea, giải thích, thị trường bất động sản là cuộc chơi trung và dài hạn, vì vậy, các doanh nghiệp địa ốc không nhìn vào sự khó khăn trước mắt mà tính tới chiến lược và lợi ích dài hơi.

"Có thể thấy các doanh nghiệp đang thành công trên thị trường bây giờ như Hưng Thịnh, Phúc Khang… là những doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường, đó là vì các nhà đầu tư này đã nhìn thấy cơ hội trong khủng hoảng.

Giai đoạn hiện nay dẫu có những dấu hiệu chững lại, song nhìn chung, thị trường vẫn còn ở bên này của sườn tăng trưởng, chưa qua bên sườn suy thoái, do đó, các chủ đầu tư vẫn muốn tận dụng sườn tăng trưởng này.

Mặt khác, dù nguồn cung dồi dào, áp lực giảm giá xuất hiện, song so với vốn đầu tư thì lợi nhuận vẫn còn ở mức khá, vì thế, doanh nghiệp mới lao vào các dự án như hiện nay", ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, trong thời gian qua có nhiều hoài nghi về thị trường, do đó, sự nhập cuộc của các "tay chơi" đã tạo ra hiệu ứng tốt về đà tăng trưởng của thị trường, qua đó củng cố tâm lý và khôi phục niềm tin của người mua nhà.

Tin mới lên