Bất động sản

Vì sao thị trường bất động sản Đồng Nai.... ‘lên đồng’ ?

(VNF) – Quy hoạch Metro kéo dài đến Biên Hòa, xây cầu nối với quận 9, TP. HCM cộng với sức bật hạ tầng nội tại đang biến Đồng Nai trở thành thỏi nam châm mới của thị trường bất động sản, thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư lẫn người mua ở.

Vì sao thị trường bất động sản Đồng Nai.... ‘lên đồng’ ?

Khi khoảng cách với TP. HCM được xóa bỏ, TP. Biên Hòa sẽ trở thành thị trường bất động sản "sân sau" có sức hút hàng đầu

Tâm chấn Biên Hòa

Từ đầu năm 2017, thị trường địa ốc Đồng Nai đã có sức hút lớn đối với giới đầu tư và người có nhu cầu an cư. Giá đất rục rịch tăng, có nơi tăng đến 30% so với năm trước đó. Từ đầu năm 2018, thị trường này tiếp tục tăng đột biến. Đặc biệt, các khu vực giáp ranh với TP. HCM như Long Hưng, Tam Phước, Hóa An… liên tiếp tạo nên cơn sốt mới về thanh khoản lẫn mức giá (trung bình giá tăng từ 10 đến 20%).

Một số khu vực đất khác có giấy tờ, quy hoạch ở những phường rìa ngoài trung tâm như Tam Phước, Phước Tân, Trảng Dài... giá cũng đã tăng từ 5 - 10%.

Ghi nhận tại xã Hóa An - tiếp giáp với thị xã Dĩ An (Bình Dương), đất có sổ riêng thổ cư được một sàn giao dịch rao bán 100m2 với giá 1,2 tỷ đồng.

Còn tại trung tâm thành phố Biên Hòa, giá nhà đất tại các tuyến đường như Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc... cũng không ngừng "nhảy múa" với mức tăng giá trung bình 10% so với tháng trước, giá dao động từ 60 - 80 triệu/m2.

Tuy nhiên, sức hút đáng chú ý nhất của Biên Hòa là dự án đất nền khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, dự án ven sông Đồng Nai, liền kề với TP. HCM. Đầu năm 2017, dự án này được chào bán ra thị trường với mức giá trung bình chỉ từ 7,5 - 8 triệu đồng/m2, nhưng đến thời điểm hiện nay, mức giá gốc do chính chủ công bố chào bán đã lên 16,5 triệu đồng/m2.

Không chỉ tăng giá mà thanh khoản của dự án này cũng tăng khá mạnh. Theo ông Bùi Quốc Anh, phó tổng giám đốc Công ty Donacoop, chủ đầu tư dự án khu đô thị Long Hưng, trong hơn một năm qua, đã có gần 2.000 sản phẩm của dự án này đã chính thức được tiêu thụ.

"Nếu so sánh với mức giá trong một năm qua thì giá đất tại dự án Long Hưng có vẻ tăng mạnh, nhưng nếu xét về địa thế, cơ sở hạ tầng, tiềm năng thì giá tại dự án Long Hưng vẫn còn khá 'mềm' so với các khu vực khác", ông Anh nói.

Dự án đất nền có vị trí giữa TP. HCM và Biên Hòa đang tăng giá chóng mặt

Cú hích kép

Theo giới kinh doanh địa ốc, sự trỗi dậy của thị trường địa ốc Đồng Nai dựa trên sức bật lớn từ các dự án hạ tầng. Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung đã và đang trở thành khu vực kết nối của hàng loạt công trình trọng yếu và sẽ trở thành hạt nhân của quy hoạch vùng khi TP. HCM quá tải.

Cuối năm 2017 vừa qua, UBND TP. HCM đã chấp thuận chi 21.234 tỷ đồng để kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Biên Hòa. Chủ trương này sẽ giúp đà sôi động của bất động sản khu Đông TP. HCM tiếp tục lan rộng. Thêm nữa, bến xe miền Đông của TP. HCM chính thức được dời về quận 9, giáp với thành phố Biên Hòa. Hiện công trình này đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2018.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, nối từ Quốc lộ 51 với đường cao tốc TP. HCM, đầu tư xây dựng được cao tốc Biên Hòa với Bà Rịa - Vũng Tàu…

Tỉnh Đồng Nai cũng triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như trục đường trung tâm Biên Hòa dài 1,3km nối quảng trường tỉnh cắt ngang đường Võ Thị Sáu đến bờ kè sông Cái, bờ kè sông Đồng Nai dài 5,4km; đường liên phường Tân Phong - Trảng Dài - Tân Hiệp. Điều này mở ra triển vọng về cơ sở hạ tầng phát triển liên hoàn.

Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Ngọc Vinh, khi khoảng cách với TP. HCM được xóa bỏ về mặt địa lý, Đồng Nai mà cụ thể là TP. Biên Hòa sẽ trở thành thị trường bất động sản "sân sau" có sức hút hàng đầu. Thị trường này sẽ phát triển mạnh hơn nhờ nguồn cầu đến từ xu hướng giãn dân và sự phát triển đô thị nội tại của Biên Hòa.

Bản thân thành phố Biên Hòa cũng sở hữu lợi thế dân số đông, khoảng 1,2 triệu người ngang bằng với những thành phố trực thuộc trung ương như Cần Thơ, Đà Nẵng. Trục bất động sản này còn gần sát 20 khu công nghiệp lớn với hơn 15.000 chuyên gia nước ngoài, 500.000 công nhân. Nhu cầu đáp ứng về nhà ở cho người dân tại chỗ đã rất lớn, chưa nói đến số người nhập cư gia tăng khi hình thành nên khu trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại mới tại đây.

"Thời cơ của thị trường bất động sản Đồng Nai còn nằm ở sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư. Khi xóa bỏ khoảng cách về địa lý, dòng tiền săn đón sóng bất động sản vệ tinh sẽ lan tỏa đến các địa phương lân cận, trong đó Đồng Nai sở hữu lợi thế hàng đầu", ông Vinh nhận định.

Lợi thế này xuất phát từ vị trí liền kề khu Đông TP. HCM, nơi thị trường bất động sản phát triển như vũ bão. Khi thị trường này có dấu hiệu quá tải và gia tăng giá trị ảo, vết dầu loang sẽ lan rộng ra, lôi kéo nhà đầu tư đổ tiền xuống các địa hạt an toàn và bền vững hơn. 

Tin mới lên