Tiêu điểm

Việt Nam muốn tăng trưởng 6,7% trong năm 2016

Việt Nam muốn tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế

Việt Nam muốn tăng trưởng 6,7% trong năm 2016

Ổn định kinh tế vĩ mô là một nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết về kinh tế xã hội năm 2016

Theo dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội Việt Nam năm 2016, dự kiến được Quốc hội thông qua trong tuần này, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,7%.

Dự thảo nghị  quyết nêu rõ mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Quốc hội cũng sẽ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm việc điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu trên.

Đối với vấn đề kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp. 

Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng chi đầu tư tăng nhanh hơn.

Đáng chú ý là sẽ xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016, áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; thúc đẩy triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tái cơ cấu, xử lý sở hữu chéo và nợ xấu; tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động thực chất, an toàn, hiệu quả theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế…

Tin mới lên