Thị trường

Việt Nam xếp thứ 32 trong danh mục ‘con đường đắt đỏ’

(VNF) - Chuyên gia khuyến cáo tình trạng giá thuê mặt bằng đắt đỏ sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt trên sân nhà trong bối cảnh gia nhập TPP và AEC.

Việt Nam xếp thứ 32 trong danh mục ‘con đường đắt đỏ’

TPHCM đang có "xếp hạng cao" về độ đắt đỏ của mặt bằng bán lẻ

Công ty tư vấn Bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield vừa công bố ấn phẩm "Main Streets Across the World – Các con đường đắt đỏ nhất Thế giới", theo đó TP.HCM của Việt Nam là thành phố có các con đường mua sắm tại quận Trung tâm đắt đỏ thứ 32 trên Thế giới, tăng 1 hạng so với năm 2014.

Cushman & Wakefield đã lựa chọn hơn 500 con đường mua sắm hàng đầu Thế giới và xếp loại chúng theo dữ liệu giá thuê độc quyền. Bất chấp những bất ổn toàn cầu tăng liên tục trong 12 tháng qua, thấy giá thuê đã tăng 35% tại các con đường mua sắm trên toàn thế giới.

Một lần nữa, Đại lộ số 5 của New York tiếp tục duy trì vị trí số 1 của bảng xếp hạng "Các con đường đắt đỏ nhất Thế giới". Trong quý II/2015, giá thuê đạt mức gần 36,000 USD/1m2/1 năm, tăng 3.6% so với năm trước và đắt hơn 32% so với địa điểm đắt đỏ thứ 2 là Causebay Hồng Kong (24,568 USD/1m2/1 năm).

Đại lộ Champs Élysées (Paris)duy trì vị trí đắt đỏ số 1 trong khu vực Châu Âu – Trung Đông và Châu Phi (EMEA), tiếp theo là New Bond Street ở London.

Giá thuê tăng cao nhất trong năm nay được ghi nhận ở Grafton Street và Covent Garden Dublin ở London, cũng như ở các con đường hàng đầu ở Milan và Rome. Tuy nhiên, các con đường mua sắm sầm uất ở Nga và Ukraine có giá thuê giảm mạnh do các cuộc xung đột giữa hai nướcđã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và doanh số bán lẻ.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, doanh số bán lẻ thấp và số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm đã gây áp lực đến giá thuê, khiến giá thuê mặt bằng bán lẻ giảm, tạo động lực cho nhiều thương hiệu cao cấp quốc tế và các nhà bán lẻ gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, quy định tăng lãi suất của Chính phủ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Ở những quốc gia khác, các nhà bán lẻ quốc tế cao cấp đang nhắm đến Australia, New Zealand và Metro Manila.

Tại các thị trường khác như Việt Nam và Malaysia, tăng trưởng của thị trường bán lẻ và sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế trong khi thu nhập trung bình của người dân đang tăng lên, điều kiện kinh tế ổn định đang tạo ra động lực cho thị trường bán lẻ.

Vẫn theo Cushman & Wakefield, lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển và chiếm thị phần lớn trong tổng doanh thu bán lẻ, mặc dù hình thức mua sắm truyền thống vẫn được người dân ưa chuộng.

Tại Việt Nam, tự do hóa thị trường bán lẻ năm 2009 đã giúp các thương hiệu nước ngoài gia nhập và các thương hiệu trong nước không ngừng mở rộng để duy trì hiện diện trên thị trường. Các ngành hàng phát triển nhất của phân khúc bán lẻ hiện nay là ăn uống (F&B) và các sản phẩm tiêu dùng.

Bà Võ Thị Phương Mai, Đại diện Bán lẻ Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết trong vòng 5 đến 7 năm tới, khoảng 1,5 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ sẽ gia nhập thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM, nâng tổng số diện tích mặt bằng bán lẻ lên gần 2,5 triệu m2.

"Thị trường bán lẻ sẽ nhộn nhịp, đặc biệt ở phân khúc bình dân và trung cấp. Các Tập đoàn bán lẻ hùng mạnh của nước ngoài xem Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong khu vực, minh chứng là trong thời kỳ 2014 – 2015, bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng chủ đạo của các thương vụ M&A, chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam", bà nói.

Tuy nhiên, việc Việt Nam xếp thứ 32 trong các quốc gia có các con đường mua sắm có giá thuê đắt đỏ nhất thế giới, xét trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập hàng loạt hiệp định tự do thương mại như AEC và TPP, thì "sẽ khiến các nhà bán lẻ trong nước đối mặt với rất nhiều khó khăn vì giá thuê mặt bằng đóng vai trò quan trọng thứ 2 (sau địa điểm) trong chiến lược kinh doanh, trong khi các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng mạnh sẻ đủ khả năng thuê những mặt bằng có vị trí đắc địa nhất thị trường". 

Tin mới lên