Tài chính tiêu dùng

VietCredit được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 1.070 tỷ đồng

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho Công ty tài chính Tín Việt (VietCredit) tăng vốn điều lệ từ gần 605 tỷ đồng lên hơn 1.070 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của Công ty tài chính Tín Việt thông qua tại Nghị quyết số 158/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/4/2018 và Hội đồng quản trị thông qua tại Nghị quyết số 706/2018/VietCredit-NQ ngày 2/10/2018.

VietCredit được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 1.070 tỷ đồng

VietCredit có tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) và đã được đổi tên từ ngày 18/6/2018.

Theo NHNN, VietCredit có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn tất các thủ tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, VietCredit có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại giấy phép cho NHNN theo quy định tại Thông tư số 25/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ của công ty này chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, hoặc nếu Đại hội đồng cổ đông VietCredit thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.

Được biết, VietCredit có tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và được thành lập vào ngày 5/9/2008.

CFC được NHNN chấp thuận đổi tên thành Công ty tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) từ ngày 18/6/2018.

Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này rất được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vicem còn có Vietcombank (nắm 10,91% vốn điều lệ năm 2017), Ngân hàng TMCP Bản Việt (nắm 10,99% vốn năm 2015 và 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 3 pháp nhân trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem hiện đang nắm 15% vốn điều lệ và Công ty Siêu Thanh Hà Nội nắm lượng cổ phần không đáng kể, chỉ tương đương 0,07%. Gần 85% vốn điều lệ của VietCredit hiện do cổ đông thể nhân nắm giữ.

Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của CFC hơn 1.937 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng hơn 709 tỷ đồng, giảm 15%. Tiền gửi khách hàng hơn 4 tỷ đồng, giảm hơn 26%.

Kết quả kinh doanh 2017 của CFC cũng không mấy tích cực khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của CFC giảm tới hơn 80% so với năm trước, chỉ gần 10,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ khoản trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2017 không đáng kể so với năm trước, CFC vẫn lãi sau thuế 9,4 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm trước.

Đại diện VietCredit trước đó cũng cho biết việc tăng vốn điều lệ từ 604 tỷ đồng lên 1.070 tỷ đồng là để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô tài sản và vốn hoạt động, cải thiện tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện mở rộng quy mô đầu tư, cho vay, huy động vốn.

Đồng thời đảm bảo khả năng về vốn tự có để đầu tư vào tài sản cố định, hệ thống phần mềm của lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), mở rộng mạng lưới hoạt động. Nâng cao hiệu quả nguồn vốn kinh doanh, cải thiện tình hình tài chính trong bối cảnh nguồn vốn của Vicem dự kiến thu hẹp.

Cụ thể hơn, 75% số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh, còn lại 25% để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, tài sản cố định. Phương thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Với việc tăng vốn trên, VietCredit đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11,5% trong năm 2018, lên 2.168 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động giảm 15,7% xuống 977 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ cho vay tăng 55,9% lên 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 2,4% lên 12,4 tỷ đồng.

Tin mới lên