Tài chính

Vietnam Airlines được định giá 1,5 tỷ USD

(VNF) – Vietnam Airlines sẽ chính thức lên sàn UPCoM vào ngày 3/1/2017 với mức giá chào sàn cho mỗi cổ phiếu HVN là 28.000 đồng, đồng nghĩa với việc Vietnam Airlines được định giá khoảng 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý là, mức giá mỗi cổ phiếu HVN trên sàn OTC hiện thường xuyên được giao dịch trên mức 40.000 đồng.

Vietnam Airlines được định giá 1,5 tỷ USD

Vietnam Airlines được định giá 34.356 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thông báo số 1353/TB-SGDHN về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines), theo đó, hơn 1.227 triệu cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ chính thức được đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 3/1/2017.

Đáng chú ý, mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu HVN là 28.000 đồng/cổ phiếu. Điều đó nghĩa là, Vietnam Airlines được định giá 34.356 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD.

Hồi giữa năm 2016, Vietnam Airlines đã hoàn tất bán 8,77% vốn cho hãng hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc. và thu về 2.431 tỷ đồng, tương đương mức giá mỗi cổ phiếu HVN rơi vào khoảng 22.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 3/1/2017 trên sàn UPCoM của cổ phiếu HVN cao hơn khoảng 24% so với mức giá chốt bán cho đối tác Nhật hồi giữa năm 2016.

Tuy nhiên, một điều còn đáng chú ý hơn là giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines hiện đang thường xuyên được giao dịch với mức giá hơn 40.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường phi tập trung (OTC), cao hơn tới gần 43% so với mức giá chào sàn UPCoM của Vietnam Airlines. Điều này hàm ý rằng, cổ phiếu HVN đang được định giá quá cao trên thị trường OTC hoặc mức giá chào sàn UPCoM của cổ phiếu HVN là quá thấp.

Vietnam Airlines lên sàn UPCoM

Mức giá chào sàn UPCoM mỗi cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines thấp hơn đáng kể mức giá đang được giao dịch trên thị trường OTC

Hiện Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 86,16%. cổ đông lớn thứ hai là ANA Holdings Inc. với tỷ lệ sở hữu 8,77%. Ngoài ra, hai ngân hàng Việt là Techcombank và Vietcombank cũng là cổ đông lớn của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 2,08% và 1,83%. Còn lại 1,16% là các cổ đông khác.

Theo báo cáo tài chính quý III/2016, Vietnam Airlines ghi nhận mức doanh thu 53.288 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của tổng công ty này là 2.546 tỷ đồng trong cùng thời kỳ. Tính riêng trong quý III/2016, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 282 tỷ đồng trong quý III/2015 lên mức 740 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới 162%.

Tính đến hết ngày 30/9/2016, tổng tài sản của Vietnam Airlines ở mức 95.372 tỷ đồng. Lượng tài sản này được hình thành từ 16.850 vốn chủ sở hữu và 78.521 tỷ đồng nợ phải trả. Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đang ở mức 4,66 lần. Trong khi đó, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của tổng công ty này cũng ở mức khá cao là 3,55 lần.

Tin mới lên