M&A

Viettel sẽ đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập các startup có tiềm năng

Trong định hướng chiến lược phát triển, từ năm 2017 Viettel sẽ đẩy mạnh các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) startup đã có hình hài, tiềm năng và sẵn sàng đưa các startup này đi ra thị trường nước ngoài "tham chiến".

Viettel sẽ đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập các startup có tiềm năng

Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Thái Anh.

Tại tọa đàm "Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới" do câu lạc bộ nhà báo ICT tổ chức ngày 28/12, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trong định hướng chiến lược phát triển, từ năm 2017 Viettel sẽ đẩy mạnh các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) đối với startup đã có hình hài, tiềm năng.

Thời điểm hiện nay, Viettel rất muốn đầu tư cho những startup có ý tưởng đã thành hình hài. Viettel hiện có thị trường rất lớn, khi đi ra nước ngoài thường kéo theo rất nhiều công ty trong nước và đó là cơ hội cho các startup.

Theo quan điểm của Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, có thể ở góc độ sáng tạo, những doanh nghiệp lớn không bằng được như những doanh nghiệp nhỏ, các startup. Nhưng doanh nghiệp lớn lại có sẵn hệ thống phân phối, bán hàng, sản xuất sản phẩm chất lượng cao... Nếu cả hai cùng hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh.

"Như với Viettel, chỉ cần hợp tác với chúng tôi là có ngay con số 300 triệu khách hàng", ông Hùng nói.

Tổng Giám đốc Viettel khuyến khích cộng đồng startup hãy "kích hoạt" khát vọng, tạo ra sự sáng tạo, đam mê và có niềm tin là thành công. Bởi trong thế giới phẳng, dù là một sản phẩm nhỏ bé nhưng nếu xuất sắc thì vẫn có thể đi ra được thế giới, mà sản phẩm xuất sắc thường tốt nhất khi xuất phát từ nỗi đau của chính mình và giải quyết nhu cầu của chính mình. Ngoài ra, trình bày một ý tưởng bản chất là đi bán sản phẩm để thuyết phục nhà đầu tư, phải tìm cách bán được ý tưởng. Dù bán một ý tưởng mới tuy không dễ dàng nhưng hãy nỗ lực.

Tổng Giám đốc Viettel ví câu chuyện doanh nghiệp khi đi ra nước ngoài giống như chuyện đẩy mình vào… chỗ chết, phải va vấp với những đối thủ giỏi hàng đầu thế giới trong khi chưa có gì trong tay.

"Năm 2006, Viettel còn rất bé, doanh thu và lợi nhuận chỉ bằng 1/30 - 1/40 hiện nay. Giữa bối cảnh thị trường Việt Nam khi đó chỉ có vài doanh nghiệp với nhau, Viettel quyết định đi ra nước ngoài với tư duy số 1 là cạnh tranh để học hỏi, cạnh tranh với các ông lớn để về Việt Nam làm tốt hơn. Sau đó mới là câu chuyện mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế…", ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Nói về thế mạnh của Viettel khi đi ra nước ngoài, CEO của Viettel cho rằng đó là… cái nghèo. "Thế mạnh của Việt Nam là gì khi đi ra nước ngoài? Với Viettel, tất cả những gì người ta chê Việt Nam thì đó là sức mạnh của Việt Nam, Viettel luôn tìm thế mạnh trong những cái bị chê là kém cỏi nhất. Nghèo cũng là sức mạnh, bởi khi đó người ta khát khao nhiều hơn", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chia sẻ của Tổng Giám đốc Viettel tại tọa đàm đã gợi nhớ đến câu chuyện ông từng chia sẻ và được lan truyền trong cộng đồng startup đó là ở thời kỳ khởi nghiệp, trong tay Viettel hầu như không có gì với nhân sự chưa đến 100 người, tổng tài sản cỡ khoảng 2 tỷ đồng. Và khi khởi nghiệp, dù phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo cuối cùng thì cũng phải xả thân.

Cũng chính từ cái nghèo và không sợ khó khăn, gian khó, Viettel đã sẵn sàng nhảy vào những thị trường gai góc nhất, sáng tạo ra nhiều gói cước, sản phẩm phù hợp cho người nghèo, làm cuộc cách mạng đưa điện thoại đến vùng sâu, vùng xa… và hiện đã vươn lên trở thành doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, "tham chiến" tại hàng chục quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, ngay tại tọa đàm, ngay sau khi được CEO 8X Lê Hoàng Long của startup xe điện PEGA (trước có tên là HKbike) chia sẻ kế hoạch đi ra thị trường nước ngoài và 5 năm nữa sẽ có thể bán được sản phẩm xe điện ra 10 nước trên thế giới, Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng với sự quyết đoán của một người đứng đầu tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam đã rất nhanh chóng đưa ra lời hứa ngay trong năm 2017 sẽ đưa startup này sang tìm hiểu thị trường Peru, xúc tiến giúp xe điện của PEGA có mặt tại ngay 500 cửa hàng của Viettel tại thị trường này.

Viettel, công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, hiện cũng đang để mắt tới các startup toàn cầu và xúc tiến thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ các startup của nước ngoài.

Trả lời trang Dealstreetasi hồi tháng 4/2016, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho rằng việc đầu tư vào các startup là một điều chắc chắn bởi khi công việc kinh doanh phát triển, công ty sẽ phải đa dạng hóa lĩnh vực.

Bộ phận đầu tư toàn cầu của Viettel đã đề xuất khởi động một quỹ đầu tư để rót vốn cho các startup ở nước ngoài. Hầu hết các công ty viễn thông lớn ở nước ngoài đều có các quỹ đầu tư mạo hiểm riêng và Viettel cũng muốn đi theo con đường đó bởi mục tiêu của công ty này là lọt vào Top 20 công ty viễn thông hàng đầu thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của các startup trong khu vực sẽ là động lực cho Viettel tạo nên những sản phẩm ICT mới dựa trên hạ tầng mạng, ví dụ như công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, dịch vụ thương mại điện tử hoặc chăm sóc sức khỏe điện tử.

Tin mới lên